Tài chính

Ngân hàng Nhà nước nêu 7 điều kiện để được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ

Văn Kỳ 21/04/2023 06:06

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, dự thảo Thông tư có 3 Điều đáng lưu ý: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ (Điều 4), Giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ (Điều 5), Trích lập dự phòng rủi ro (Điều 6).

Theo đó, về thời hạn trả nợ, Điều 4 dự thảo nêu, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP) trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đáp ứng đầy đủ 7 điều kiện.

nhnn-246-2-16787956843661654321014.jpg
Dự thảo thông tư mục đích giúp khách hàng kéo dài thời gian trả nợ, không bị nhảy nhóm nợ xấu.

Thứ nhất, khoản nợ phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

Thứ ba, được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng.

Thứ tư, khách hàng được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ khi được cơ cấu lại.

Thứ năm, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

Thứ sáu, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của khách hàng, không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Thứ bảy, việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo Thông tư này được thực hiện từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

Về giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ, Dự thảo nêu: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có dư nợ có số dư nợ gốc và/hoặc lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Khoản nợ sau khi cơ cấu lại khoản nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định.

Nếu khoản nợ sau cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ mà quá hạn theo thời hạn mà không được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục cơ cấu lại theo Thông tư này, thì tiếp tục phân loại nợ theo quy định của NHNN Việt Nam.

Đáng nói, tuy tạo điều kiện không để các khách hàng bị nhảy nhóm nợ, nhưng dự thảo cũng quy định, TCTT, chi nhánh ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro theo quy định theo 2 phương án.

Phương án 1: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định và thực hiện trích lập dự phòng đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ theo quy định của Thống đốc NHNN.

Phương án 2: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định số tiền phải trích lập dự phòng đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo quy định của Thống đốc NHNN. Mức trích và thời gian trích lập như sau: Đến thời điểm ngày 31/12/2023, tối thiểu trích lập 50%, đến hết 31/12/2023, phải trích lập đủ 100% số tiền dự phòng. Việc trích lập dự phòng rủi ro sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Theo quy định, nếu khách hàng không thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi sẽ bị CIC (Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam) xếp vào nợ xấu, theo thời gian sẽ bị nhảy nhóm nợ với các mức từ nhóm 1 (dư nợ đủ chuẩn) tới nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Lúc này, khách hàng có thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ cũng phải mất rất nhiều thời gian theo quy định mới được tiếp cận lại nguồn tín dụng từ hệ thống tín dụng tại Việt Nam.

Dự thảo Thông tư áp dụng cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ mục đích nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Nhà nước nêu 7 điều kiện để được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO