Tại Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ sự đồng ý và nhất trí với các nội dung dự thảo Luật đã được chỉnh sửa, tiếp thu, trình tại kỳ họp lần này. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo Luật, Đại biểu Phạm Văn Thịnh có hai ý kiến đóng góp vào dự thảo. Theo đó, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang cho rằng, Nhà nước nên có trách nhiệm khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân tự nguyện bỏ vốn để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ...
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, tại mục 4, Chương 2, Đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung 1 điều quy định mang tính nguyên tắc là: Nhà nước nên có trách nhiệm khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân tự nguyện bỏ vốn để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện để đảm bảo tinh thần khuyến khích, tính chủ động, trách nhiệm phục vụ, hỗ trợ và giải trình của Nhà nước khi tiếp nhận các đề xuất của các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn để đầu tư... vì 3 lý do:
Thứ nhất: Thực tiễn hiện nay, nhu cầu tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tự bỏ toàn bộ hoặc 1 phần kinh phí để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông để phục vụ lợi ích của mình và đem lại lợi ích cho cộng đồng, lợi ích chung là có và tiềm năng rất lớn. Ví dụ: Chủ đầu tư 1 khu công nghiệp có quy mô 200-300ha mà khu đất của mình gần đường cao tốc nhưng chưa có đường đấu nối và nút giao, nếu quy hoạch mở mới không vướng các quy chuẩn, trong khi Nhà nước chưa có kế hoạch đầu tư thì chủ đầu tư sẵn sàng có nguyện vọng bỏ kinh phí ra để làm nút giao và đường đấu nối, khi đó chi phí phải tăng thêm bình quân 1 ha đất công nghiệp cũng chưa đến 1 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với lợi ích tăng giá đất công nghiệp nếu có đường đấu nối và nút giao vào cao tốc. Việc này đem lại lợi ích cho chủ đầu tư khu công nghiệp, cho chủ đầu tư đường cao tốc, cho cả Nhân dân, địa phương ở khu vực đó.
Tương tự, một nhóm các nhà đầu tư khu công nghiệp, khu đô thị lớn sẽ sẵn sàng bỏ tiền để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các hạ tầng giao thông kết nối đến khu công nghiệp, khu đô thị để nâng cao giá trị sản phẩm của mình (thực tế tại Bắc Giang đã có nhóm các chủ bến bãi cát sỏi ven sông xin được đầu tư nâng cấp mặt đê với tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn cứng hoá mặt đê cấp 2 của cơ quan Nhà nước để vừa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình vừa phục vụ Nhân dân được tốt hơn. Nhu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ tiền ra đầu tư, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường bộ rất phong phú, từ các công trình nhỏ như các cây cầu dân sinh tình nguyện, cải thiện hạ tầng nơi sinh sống, kinh doanh, đến các công trình lớn như đã nêu ở trên.
Thứ hai: Việc bổ sung điều này sẽ mở đường khai thác triệt để phương thức hợp tác công tư trong đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, thậm chí là quản lý kết cấu hạ tầng giao thông. Hợp tác công tư trong trường hợp này không trùng hợp với các dự án PPP được quy định tại Luật đầu tư theo phương thức công tư năm 2020. Hợp tác công tư dạng này giải quyết được câu chuyện là đem lại lợi ích cho tổ chức, cá nhân bỏ tiền và lợi ích của cộng đồng, trong khi xã hội lại tiết kiệm được chi phí đầu tư, Nhà nước thì can thiệp tối thiểu, nguồn vốn đầu tư xã hội được phát huy hiệu quả; dễ dàng triển khai được ngay khi không phải thực hiện việc đánh giá hiệu quả đầu tư đối với chủ nguồn vốn đầu tư.
Hợp tác dạng này cũng mở đường cho những cách làm mới trong bảo trì kết cấu đường bộ khi huy động được cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có lợi ích trực tiếp từ đoạn đường, tuyến đường tham gia, giúp Nhà nước tiết kiệm chi phí, có nhiều phương thức bảo trì để đối chứng, từ đó cải thiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo trì.
Thứ ba: Quy định này trong 1 số trường hợp cũng sẽ hỗ trợ cho việc phân chia trách nhiệm trong đầu tư hạ tầng cho tổ chức, cá nhân được hưởng lợi trực tiếp nhiều nhất; dành nguồn lực của Nhà nước cho cộng đồng, khu vực khó khăn hơn; đồng thời cũng giải quyết được câu chuyện phân bổ địa tô tăng thêm khi hạ tầng thay đổi cho cả xã hội cùng hưởng lợi thay vì chỉ 1 ít người được lợi lớn; hướng đến mục tiêu công bằng xã hội.
Theo dõi Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Nguyễn Đình Chung, cử tri huyện Thường Tín, Hà Nội bày tỏ sự tán thành cao với các ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội cho dự thảo Luật Đường bộ. Đặc biệt, ông rất tâm đắc với ý kiến của Đại biểu Phạm Văn Thịnh. Ông cho biết, do hoàn cảnh thay đổi của lịch sử, khu đất gia đình ông sinh sống có một mặt là ao do UBND xã quản lý, một mặt là ngõ xóm nhỏ hẹp, hai người phải tránh nhau đi. Trước tình trạng này, người dân trong ngõ bàn bạc và thống nhất góp tiền, đổ đất về phía ao để mở đường đi ra đường lớn của làng cho giao thông thuận tiện hơn. Tuy nhiên, phía chính quyền cho rằng hiện nay chưa có hành lang pháp lý cho phép người dân sử dụng đất công do nhà nước quản lý dù là tự đầu tư và mục đích phục vụ công cộng.
Vì vậy, cử tri mong muốn ý kiến của các Đại biểu Quốc hội được Quốc hội xem xét, đưa vào dự thảo Luật Đường bộ. Từ đó, có thể tạo cho các cấp quản lý một hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như doanh nghiệp, đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.