Nâng cao chất lượng giải quyết các vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Lê Văn Nhàn – Chánh án TAND TP Pleiku| 05/01/2022 19:55

Hợp đồng vay tài sản là một trong các giao dịch phổ biến nhất trong dân sự, dễ phát sinh những xung đột về lợi ích giữa các chủ thể. Thời gian gần đây, các vụ án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản ngày càng gia tăng về số lượng, phức tạp về tính chất.

Sự biến tướng của hợp đồng vay tài sản

Từ năm 2017 đến nay, tình trạng vỡ nợ nóng xảy ra trên nhiều phường, xã trên địa bàn thành phố Pleiku (Gia Lai), kéo theo hàng loạt các tranh chấp phát sinh như: tranh chấp hợp đồng thế chấp, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xác định quyền sở hữu tài sản của các thành viên trong hộ gia đình người có nghĩa vụ thi hành án.

Theo đồng chí Lê Văn Nhàn – Chánh án TAND TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), hợp đồng vay tài sản với lãi suất cao do các đương sự ký kết thường bị biến tướng thành hợp đồng dân sự khác (giả tạo) nhưng lại được chính pháp luật dân sự thừa nhận khi phát sinh tranh chấp. Trong quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản, Tòa án phát hiện nhiều vụ án khi thực hiện giao dịch thì bên cho vay yêu cầu bên vay phải ký kết dưới dạng hợp đồng đặt cọc mua bán nhà hoặc hợp đồng mua bán nhà để thay thế cho các biện pháp bảo đảm nợ vay (thế chấp, cầm cố). Đồng thời, bên cho vay thu giữ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bên vay.

BAI VIET CUA CHANH AN PLEIKU. ANH 1.jpg

Đồng chí Lê Văn Nhàn, Chánh án TAND TP Pleiku

Khi đến hạn trả nợ, nếu bên vay không trả vốn và lãi thì bên cho vay yêu cầu Tòa án công nhận hợp đồng mua bán nhà (hoặc hợp đồng đặt cọc mua bán nhà). Khi giải quyết những vụ này, nguyên đơn có nhiều thuận lợi hơn về chứng cứ (do các chứng cứ này đã được công chứng hoặc chứng thực), trong khi đó bên vay rất khó khăn khi chứng minh hợp đồng hai bên ký kết là giả tạo. Vì vậy, Toà án chấp nhận yêu cầu của bên cho vay, cho dù Toà án biết rõ đó là hợp đồng giả tạo để che giấu một hợp đồng khác nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh bản chất của vụ việc.

 Theo Điều 27 và 37 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch dân sự do một bên thực hiện “…nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình”. Thực tế xét xử cho thấy, bên cho vay thường không đủ chứng cứ để có thể chứng minh khoản tiền mà họ cho vay đã được bên vay sử dụng để “… nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình” nên thông thường Toà án chỉ buộc được một bên (vợ hoặc chồng) phải trả nợ cho bên cho vay. Điều này dẫn đến hậu quả là sau khi giải quyết những vụ án này, việc thi hành án sẽ bị kéo dài, thậm chí là không thi hành án được gây thiệt hại cho nguyên đơn. Ngược lại, một số vụ án, khi vay tiền sử dụng vào mục đích riêng, bên vay cầm cố tài sản chung của vợ chồng để bảo đảm nợ vay làm ảnh hưởng đến cả quyền lợi hợp pháp của vợ/chồng.

Cũng theo Chánh án Lê Văn Nhàn, hiện nay, nhiều vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản, sau khi thụ lý vụ án, Tòa án xác minh được bị đơn đã bỏ trốn khỏi địa phương để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Trường hợp này có nhiều quan điểm khác nhau, có quan điểm cho rằng đây là vụ án có dấu hiệu hình sự “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, nhưng cũng có quan điểm cho rằng đây là quan hệ dân sự, cần áp dụng Nghị quyết 04/2017/NQ - HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao để xác định địa chỉ bị đơn cư trú và tiến hành các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ xét xử vụ án vắng mặt bị đơn.

Trong hợp đồng vay tài sản thì lãi suất là một yếu tố rất quan trọng và đa số các tranh chấp về hợp đồng vay tài sản đều có tranh chấp về lãi. Đối với các vụ vay lãi suất cao, bên cho vay thường không ghi nhận thỏa thuận vễ lãi suất trong hợp đồng vay để trốn tránh các chế tài của pháp luật, đồng thời định kỳ trả nợ, bên cho vay thường yêu cầu bên vay ghi nhận khoản tiền lãi còn nợ thành tiền gốc và tính lãi theo phương thức “lãi trên lãi”. Nhưng khi tranh chấp hợp đồng vay, Tòa án rất khó khăn trong việc xác định số tiền nợ gốc. Bên vay cũng ít khi cung cấp được chứng cứ chứng minh nội dung này. Vì vậy khi giải quyết vụ án, Tòa án phải công nhận hợp đồng vay mặc dù biết rõ khoản tiền tranh chấp có bao gồm cả tiền lãi vượt mức so với quy định pháp luật.

Giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án

Với những kinh nghiệm thu thập được qua quá trình công tác, đồng chí Lê Văn Nhàn – Chánh án TAND TP Pleiku, tỉnh Gia Lai đã đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án trong lĩnh vực này: Thứ nhất, khi tiến hành thu thập và đánh giá chứng cứ trong các vụ án dân sự như hợp đồng đặt cọc,  chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà, … nếu có dấu hiệu đó là giao dịch giả tạo nhằm che giấu quan hệ vay tài sản thì Tòa án cần kiên trì xác minh, thu thập chứng cứ từ nhiều nguồn chứng cứ như lời khai đương sự, người làm chứng, lịch sử giao dịch vay mượn trước đó của các đương sự cũng như xác minh thủ tục công chứng hợp đồng,… để làm rõ bản chất vụ việc, nhận diện rõ quan hệ tranh chấp. Nếu có đủ chứng cứ để kết luận những hợp đồng trên giả tạo nhằm che dấu quan hệ vay có lãi thì Toà án có thể áp dụng các quy định của Điều 124 BLDS năm 2015 để tuyên bố vô hiệu và công nhận giao dịch bị che giấu là hợp đồng vay tài sản để buộc bên vay trả cho bên cho vay, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất việc công nhận, hợp thức hóa các giao dịch dân sự giả tạo vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp;

Thứ hai, trong các vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản có liên quan đến nghĩa vụ liên đới của vợ chồng đối với khoản nợ vay, Tòa án cần làm rõ ý chí của các bên đương sự, đặc biệt là ý chí của người vợ/chồng đối với khoản vay kể cả thời điểm trước, trong và sau thời điểm xác lập giao dịch. Đồng thời Tòa án có thể căn cứ vào giá trị tài sản giao dịch so với điều kiện kinh tế cụ thể của gia đình bên vay và mục đích sử dụng số tiền vay trên thực tế để đánh giá chứng cứ, từ đó xác định trách nhiệm liên đới của cả hai vợ chồng đối với bên cho vay theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình. Việc xem xét nghĩa vụ liên đới của vợ chồng cần được đánh giá thận trọng, tránh trường hợp ghi nhận nghĩa vụ liên đới của vợ chồng khi bên cho vay và bên vay hoàn toàn biết rõ số tiền vay sử dụng vào mục đích riêng, hoặc vợ chồng bên vay lợi dụng sơ hở của bên cho vay khi xác lập giao dịch để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án;

BAI VIET CUA CHANH AN PLEIKU. ANH 2.jpg

Tập thể cán bộ, công chức TAND TP.Pleiku

Thứ ba, khi nhận và xử lý đơn khởi kiện, Tòa án cần yêu cầu nguyên đơn chứng minh việc có mặt của bị đơn tại nơi cư trú. Trong trường hợp có đủ cơ sở xác định bên vay đã bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì cần hướng dẫn bên cho vay tố cáo hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại cơ quan điều tra. Việc giải quyết vụ án theo trình tự tố tụng hình sự khi có đủ căn cứ cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự mang lại hiệu quả cao hơn, đảm bảo hơn quyền lợi ích hợp pháp của bên cho vay cũng như góp phần ổn định trật tự trị an tại địa phương. Trong trường hợp cơ quan điều tra kết luận vụ án không có yếu tố hình sự thì Tòa án mới thụ lý giải quyết vụ án dân sự vắng mặt bị đơn là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong vụ án. Tránh trường hợp tạm đình chỉ vụ án kéo dài vì lý do chờ kết quả giải quyết thông tin tội phạm từ cơ quan điều tra;

Thứ tư, đối với các vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản có lãi suất cao, Tòa án hướng dẫn cho đương sự về nghĩa vụ chứng minh số tiền gốc, lãi suất vay và số tiền lãi phải trả. Trong trường hợp có căn cứ xác định mức lãi suất thỏa thuận vượt quá quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 là 20%/năm thì Tòa án tiến hành đối chất, xác minh, thu thập chứng cứ để xác định mức lãi suất thỏa thuận có đủ yếu tố cấu thành tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự không? Nếu có thì Tòa án chuyển vụ án cho Cơ quan Điều tra để khởi tố vụ án theo quy định pháp luật.

Trường hợp lãi suất vượt quá 20%/năm nhưng chưa đến mức khởi tố vụ án hình sự thì Tòa án cần áp dụng Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao để khấu trừ số tiền lãi đã trả vượt quá quy định 20%/năm vào nợ gốc, từ đó tính toán lại toàn bộ nợ gốc, lãi tại từng thời điểm trả nợ để giải quyết vụ án chính xác. Nhất là Tòa án cần phải thận trọng bóc tách được khoản nợ góc vay ban đầu và số tiền lãi đã trả qua từng kỳ trả lãi, tránh việc hợp thức hóa “lãi trên lãi” cho bên cho vay theo các giấy nhận nợ mà bên vay ký xác nhận trong điều kiện thỏa thuận thiếu công bằng. Muốn thực hiện được điều này Thẩm phán cần chủ động, kiên trì hòa giải, xác minh, thu thập chứng cứ để nâng cao hiệu quả giải quyết vụ án;

Thứ năm, đối với một số đơn khởi kiện có yêu cầu về lãi, thậm chí là của các Ngân hàng và tổ chức tín dụng, Thẩm phán cần thận trọng tính toán, đối chiếu mức tiền lãi so với quy định của pháp luật, không chủ quan tin tưởng vào các kết quả tính lãi của nguyên đơn cung cấp để phán quyết dẫn đến án bị hủy, bị cải sửa và làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên vay đã được pháp luật quy định bảo vệ chặt chẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng giải quyết các vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO