Mặt nạ thời gian

Hoàng Phương| 13/05/2022 06:18

Náu mình trong nếp nhà cổ rêu phong, những triết lý sống vượt thời gian lần nữa được người làm “mặt nạ thời gian” xướng lên.

Những cống hiến từng ngày không mệt mỏi của nghệ nhân Bùi Quý Phong đã được Hội An ghi nhận. Đó là giá trị riêng, là không gian tạo tác của người làm “mặt nạ thời gian” -  một không gian mà ông đã dành sự trọn đầy tâm huyết để kiến tạo và trao gửi nó đến cộng đồng.

Nghệ nhân Bùi Quý Phong (bên phải) – Người làm mặt nạ thời gian. (Ảnh: Hoàng Phương)

- Điều gì đã đưa ông đến với những chiếc “mặt nạ thời gian”?

Lúc trước, mặt nạ chỉ là đồ chơi trẻ con, chơi chán rồi bỏ đi. Tôi muốn biến thứ đồ chơi của con trẻ trở thành món đồ chơi nghệ thuật của người lớn, cho những người hiểu biết.

Năm 2014 là bước ngoặt. Lúc đó, tôi thật sự trăn trở với Hội An. Thành phố nhỏ xíu, bé như cái bàn tay, chỉ có ba con đường ngang là Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Thái Học. Ngoài rìa ba lộ đó là hết phạm vi phố Hội. Có nhà giàu cực giàu, nhưng phân cực, vẫn còn có nhiều nhà thật nghèo. Tôi làm mặt nạ, mục đích đầu tiên là giải quyết vấn đề công ăn việc làm, kiếm cái nghề cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Kế nữa, với kinh nghiệm một nghệ sĩ sân khấu, làm đầu lân thiên cẩu bao năm, hai việc này cực kỳ liên quan tới nhau. Tôi dùng kinh nghiệm đó để sáng tạo ra mặt nạ, song không phải loại đục mắt mũi ra đeo làm trò chơi. Mặt nạ này gọi là Mặt Nạ Thời Gian.

Chữ “thời gian” ở đây là tiếp nhận những văn hoá do tiền nhân để lại, ghi lại dấu ấn của cuộc sống để rồi truyền đời cho con cho cháu. Tiền nhân là cụ Phan Châu Trinh và cụ Nguyễn Duy Hiển… Vùng đất này được hình thành bởi văn hoá của rất nhiều quốc gia, có dấu chân người Tây Ba Nha, Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Trung Quốc…

Dấu chân để lại nhiều điều tốt và cả ngược lại. Nhưng cái tốt nhiều hơn!

Lòng tự trọng của người Hội An rất cao, họ đàng hoàng và rõ ràng, không vụ lợi, không bao giờ lấy cái gì không thuộc về mình. Trong dòng chảy của lịch sử, người Hội An tự hào rằng mình luôn và sẽ là người tử tế.

Mỗi chiếc mặt nạ đều mang trong mình một câu chuyện riêng. (Ảnh: Hoàng Phương)

- Rất mong ông có thể kể thêm về tấm lòng và thời gian trên từng chiếc mặt nạ?

Mặt nạ thời gian không liên quan tới hý kịch của Trung Quốc, không phải kịch Nô của Nhật Bản, mà chỉ mang hơi thở dân gian của Việt Nam. Mặt nạ thể hiện như một bức tranh, có thể dùng để trang trí cho không gian sống, song trên nhất là tôn vinh văn hoá Việt Nam.

Nhìn mặt nạ quanh không gian trưng bày này, mọi người đều có thể thấy chủ đề không nhiều nhưng biến đổi liên tục. Tất cả đều dựa vào chữ “Tấm Lòng”.

Người sống tử tế hay không tốt, yêu thương hay căm ghét cuộc đời, thuỷ chung hay bất nhất, là người tốt hay người xấu,…. chỉ thế mà ra được bao nhiều khuôn mặt, hình dạng khác nhau. Đến giờ, tôi đã vẽ được vài chục ngàn chiếc, nhưng vẫn thích nhất “Tấm Lòng” họa về sự cưu mang của người mẹ, sự lung linh trong tình yêu… Tóm lại là về điều thiện.

- Những công đoạn để làm ra một chiếc mặt nạ này ra sao thưa ông?

Để làm ra chiếc mặt nạ, bất kể kích cỡ nào, đều cần thực hiện đầy đủ từng công đoạn. Đầu tiên ta cần một cái cốt đổ khuôn bằng xi măng hay thạch cao, bồi lên lớp cốt này hai lớp giấy bồi, rồi vô viền bằng mây để làm khung chắc chắn. Giữ khung xong lại bồi thạch cao cho cứng cáp. Khô rồi, phải dùng giấy nhám mài cho láng và bền bỉ với thời gian.

Sau đó, phải kỳ cạch phơi mặt nạ thô này thật khô, rồi mới khoét gọt tạo hình đủ kiểu: người hung, kẻ vui, cô gái và chàng trai… Xong tất cả những bước này, người nghệ nhân bắt đầu vẽ. Phải thật cẩn trọng, vì nhìn mặt nạ là có thể ra được tinh thần của mình lúc đó. Vẽ ưng rồi, ta tráng lên một lớp sơn phủ bóng.

Nếu làm đúng, chuẩn, một sản phẩm sẽ có độ bền 30 năm trong điều kiện bình thường. Nhiều công đoạn rất cần cảm hứng sáng tác và sức khỏe. Vì vậy có ngày tôi vẽ được 10 cái, nhưng có ngày chỉ 1 đến 2 cái.

- Khách hàng thường phản hồi thế nào thưa ông?

Người nước ngoài quý sản phẩm này lắm, khi trên đường phố phố toàn đồ mỹ ký Trung Quốc, thì đây là sản phẩm hoàn toàn thủ công mỹ nghệ, do bàn tay người Việt làm nên. Một chiếc mặt nạ có giá 300.000 VND. Lúc đầu tôi nghĩ là cao, có thể rất kén đối với khách Việt. Nhưng không phải, khách Việt rất thích, thậm chí còn thích thú hơn khi được nghe câu chuyện về tâm linh, đời sống hiện đại, các câu chuyện về văn hoá.

Tôi đặt ra tôn chỉ: Mặt nạ có bổn phận tôn vinh giá trị truyền thống và chuyển tải thông điệp thiện lành tới người thưởng ngoạn. “Phần thưởng về tinh thần lớn lao nhất.”

- Những biến cố lớn trong 02 năm gần đây đã ảnh hưởng đến nghề làm mặt nạ của ông ra sao?

Những nghề truyền thống có được sự tôn trọng lớn từ khách hàng, những người yêu cái đẹp. Nhưng bù lại nghề này thường khó làm giàu, chỉ đủ sống.

Hai năm qua là thử thách rất lớn, đặc biệt là với những nơi phụ thuộc vào du lịch như phố Hội. “Mặt nạ thời gian” cũng không ngoại lệ.

Tuy Covid-19 lấy đi nhiều thứ nhưng cũng đem lại nhiều thay đổi. Hai năm trước sản phẩm không hẳn đều đẹp từng chiếc, nhưng hai năm nay các mặt nạ đều rất đẹp. Tác phẩm nào cũng đều “khôn”. Chính người sáng tác mỗi sáng cũng thấy vui lạ với những đứa con tinh thần của mình.

- Sau nhiều khó khăn, điều ông cảm nhận hiện tại là gì?

Tôi luôn cảm thấy may mắn vì chọn đúng con đường!

- Xin cảm ơn ông!

Chiếc mặt nạ biết kể chuyện.

Cuộc đời ai cũng có những ngã rẽ, khúc quanh, lắm khi tăm tối.

Ngay cả khi ở vực sâu thẳm nhất, chúng ta đừng quên nghĩ tới những điều tích cực, như những đoá hoa. Từ đó, tâm trí sẽ vén những màng mây mù về không gian - thời gian - suy tưởng, để rồi sáng bừng những tia nắng của những ý niệm tốt đẹp.

Tâm hồn bừng nắng ngay cả trong những lúc tối nhất.

Vấn đề nằm ở tấm lòng và thái độ sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mặt nạ thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO