Hiện nay, ngoài các giao dịch ngầm thì các trang mạng ngang nhiên rao bán cần sa. Điều đáng nói là đây không phải là việc “rao chơi” nhằm thu hút “like” mà có giao dịch thật.
Đã có những vụ việc bị phát hiện và bắt giữ cùng tang vật với số lượng lớn. Qua thâm nhập, tìm hiểu, PV báo CL&XH cũng nhận được những cái gật đầu đồng ý bán, giao hàng tận nơi từ các đối tượng buôn bán cần sa.
Giao dịch trực tiếp
Theo ghi nhận của PV, hiện nay đang có 2 nguồn cần sa cung cấp cho thị trường. Một là trồng tại Việt Nam, tập trung tại một số tỉnh ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên… Hai là nguồn nhập từ nước ngoài về. Điều đáng nói là các đối tượng này cung cấp đủ loại, từ hạt giống, lá tươi cho đến lá khô, thành phẩm (dạng điếu)… Giá cả các loại này cũng vì thế mà khác nhau, dao động từ mấy trăm ngàn đến mấy triệu đồng/gram. Đồng thời, lượng người quan tâm mua rất đông, còn kẻ cung cấp cũng không ít, đang tạo nên một thị trường nhộn nhịp trên mạng và cả trên thực tế.
Trong vai một người cần nguồn hàng cung cấp cho thị trường, PV đi tìm các đầu mối chuyên cung cấp cần sa. Theo một nguồn thông tin, PV tiếp cận được người tên Hà, bán cần sa tại TP.HCM. Hà cho biết: “Hiện nay đang có dòng cần White Window huyền thoại mới được nhập về. Đây là loại vũ khí hạng nặng dòng hybird, là một loại cần ngon phổ biến của quốc tế. Do là hàng nhập nên có giá rất đắt, không biết bên anh có người xài không. Giá bán loại này là 650 ngàn đồng/gram”.
Tuy nhiên, khi đề nghị giao dịch trực tiếp thì đối tượng này không đồng ý và tỏ vẻ khó chịu. “Anh có vấn đề gì không đó, ai đời đi bán hàng này mà đòi giao dịch trực tiếp hay là anh gài tôi. Nếu có nhu cầu thiệt thì cứ nhắn tin loại hàng, số lượng lấy bao nhiêu và chuyển tiền cọc qua tài khoản, sau đó bên tôi sẽ giao hàng. Còn không thì thôi nhé, ở đây không chơi với những người hỏi nhiều”.
Thế nhưng, qua điều tra, PV cũng tiếp cận được các đầu mối giao hàng trực tiếp. qua anh N.T.K., người từng chơi hàng này, PV tiếp cận được Vân. Liên hệ với người tên Vân, tại khu vực quận Tân Bình (TP.HCM), ngay lập tức, đối tượng này cho biết: “Giờ hàng còn là cam (một loại cần sa – PV), loại ngon, nguyên lá. Giá là 2,3 triệu lạng. Nếu lấy 2 lạng thì bớt cho 200 ngàn đồng”. Khi đề nghị giao hàng, Vân cho biết, giao tại khu vực Khu công nghiệp tân Bình. “Khi nào tới đó thì điện thoại, sẽ có người giao cho anh”.
Tương tự, người tên Huấn cũng giao hàng tại TP.HCM cho biết: “Hiện đang có hàng cam (một loại cần sa – PV) ngon, tươi, siêu búp, thơm nức mũi. Giá bán là 200 ngàn/pack (gói – một lần sử dụng). Loại này nhựa rít, siêu búp, lông cam, thịt mập, bao hàng cho anh luôn. Còn mua nhiều thì giá 2,3 triệu đồng/lạng. Nếu anh cần hàng vào giờ khuya thì bên em vận ship (giao hàng) nội thành anh nhé”.
Theo anh K., thì khi giao hàng, các đối tượng này hoặc sử dụng người lạ, hoặc trẻ em, trong vai học sinh để giao hàng. Đây là cách thức phổ biến trong thời gian qua. Khi đó, nếu có bị công an phát hiện và tóm gọn thì trẻ em sẽ không phải chịu tội, hơn nữa người nhận hàng không biết được đầu mối cung ứng hàng là ai, ở đâu. Lúc này, họ chỉ biết là mua bán và giao nhận mà thôi.
Tràn lan trên mạng
Ngoài các đối tượng có thể giao dịch trực tiếp thì còn đó, các đối tượng chuyên dùng các trang mạng để giao dịch hàng. Với chiêu thức, người mua chỉ cần nhắn tin về số lượng hàng, loại hàng cần lấy là xong, sau khi đã tìm hiểu các thông tin đã đăng tải trên các trang như website, Facebook, rao vặt, Zalo… Thực tế, để tiếp cận các đối tượng cung cấp hàng từ các trang này không hề khó khăn gì. Đây cũng là cách thức giao dịch mua bán cần sa phổ biến hiện nay.
Chủ trang Hạt giống cần sa báo giá “hàng” cho PV
Điển hình như tại trang Facebook sa.can.1650. Khi PV truy cập vào trang này thì thấy để bán hạt giống và nhiều loại hàng hóa khác. Theo cách thức giao dịch bằng nhắn tin, PV yêu cầu lấu hạt giống và lá cần sa, giao hàng tại TP.HCM thì chủ trang Facebook này cho biết: “Hiện nay, lá đang khan hiếm, không có. Chỉ có hạt giống. Thời điểm này, shop chỉ có cam lai kush với lại kush sativa. Nếu là cam lai kush thì giá là 60 ngàn đồng/hạt, còn kush sativa có giá 150 ngàn đồng/hạt. Đây là hai loại hạt giống đang được dân chơi ưa chuộng đó”.
Ngoài ra, còn hàng loạt trang cũng rao bán công khai cần sa các loại như: hatgiongcansa,HoiNhungNguoiYeuCanSaTaiDaLat, tranvancan...
Tương tự, Huy một đầu mối cung cấp cần sa chuyên nhập khẩu cho biết: “Bên mình đang có 2 loại cần ngon là bubba kush strain. Đây là dòng Indica thích hợp cho việc nghỉ ngơi, thư giãn, xả stress và buồn phiền ngay tức thời. Hàng này mới nhập về. Theo cá nhân mình đã xài thì nó là loại này khá nặng, giá cũng hơi chát, tới 550 ngàn đồng/gram lận anh à”.
Huy nói tiếp: “Còn nếu không thì anh lấy loại bubble gum strain, thuộc dòng hybrird thích hợp cho tụ họp vui chơi, hay làm việc sáng tạo. Bảo đảm chất lượng cho anh, giá loại này rẻ hơn chút, 450 ngàn đồng/gram nha anh. Ngoài ra, bên mình còn bán cần theo dạng điếu (loại cam tươi) với giá 40 ngàn đồng/điếu, nhưng phải từ 5 điếu trở lên thì mới giao hàng”.
Theo thông tin mà PV có được thì một trang Facebook tại địa chỉ CanabissBMT được cho là của các đối tượng buôn bán cũng vừa bị bắt cách đây mấy ngày. Theo đó trang này chuyên bán các loại cần sa nội, ngoại nhập khẩu. Trên trang này cũng để thông tin “ngưng hoạt động” và cho biết, đã bị công an bắt giữ.
Thực tế, các đối tượng buôn bán loại hàng cấm này hoạt động hết sức công khai và liều lĩnh. Điển hình như Nguyễn Bùi Thanh (18 tuổi) và Hoàng Đình Tuân (19 tuổi) cùng ngụ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã dùng chiêu thức này để giao dịch, mua bán trong một thời gian. Theo đó, Thanh và Tuấn đã trồng cần sa tại nhà, đến khi thu hoạch thì sấy khô và bỏ vào các hộp giấy và ngụy trang thêm lớp lá chuối khô để giao hàng cho khách. Với cách thức này, hai đối tượng này đã thực hiện giao dịch với đối tượng người khác ở 10 tỉnh thành khác nhau trên cả nước.
Điều đáng nói là, sau khi thỏa thuận và chốt giá, thì người mua sẽ chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng, còn hai đối tượng này sẽ vận chuyển hàng cho các đối tượng khác bằng đường hàng không. Qua trang mạng, các đối tượng này nhận đặt hàng từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Mới đây, Công an tỉnh Lâm Đồng đã có thông tin bắt giữ 2 đối tượng này. Thời điểm bị bắt giữ, tang vật thu được là nhiều gói cần sa được đóng gói, bỏ vào trong các hộp xốp chuẩn bị đi giao cho khách hàng.
Đến thời điểm bị bắt giữ Tuấn và Thanh đã chuyển nhiều đơn hàng với số lượng hóa đơn lên đến 20 cái
Theo cơ quan công an, trong thời gian ngắn, Thanh và Tuấn đã thực hiện hàng chục vụ vận chuyển cần sa qua đường hàng không với số lượng hóa đơn vận chuyển lên đến 20 cái. Hiện Công an tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục mở rộng điều tra về đường dây này. Thực tế cho thấy, đây không phải là vụ bắt giữ hi hữu mà thời gian gần đây, cơ quan công an các địa phương cũng đã bắt giữ nhiều đối tượng trồng, mua bán cần sa, đặc biệt là sử dụng các trang mạng để giao dịch.
Sẽ tập trung trấn áp Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, cán bộ Công an TP.HCM cho biết: “Thời gian qua, lực lượng chức năng đã triệt phá một số đường dây, đối tượng chuyên cung cấp, mua bán cần sa dưới nhiều hình thức khác nhau. Việc các đối tượng dùng các trang mạng để giao dịch mua bán đang có xu hướng gia tăng. Thời gian tới, lực lượng công an sẽ tập trung trấn áp các loại tội phạm này. Đồng thời, người dân cũng không nên tiếp tay cho các đối tượng này bằng cách không sử dụng, không vận chuyển, không mua bán… Nếu có, khi bị phát hiện, bắt giữ có thể bị liên đới trách nhiệm hoặc bị truy tố, xét xử, nếu là đồng phạm trong các đường dây đó”. |