Nội chính

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được thông qua

PV 24/06/2024 15:32

Với 459/464 đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết tán thành (chiếm 94,25%), sáng nay (24/6), Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

toa-an-5.jpg
Toàn cảnh phiên họp.

Thừa ủy quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có 9 Chương, 152 Điều.

Luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.

Thành lập Tòa sơ thẩm chuyên biệt

Về Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt (điểm đ khoản 1 Điều 4; mục 5 Chương IV), theo bà Nga, Nghị quyết số 27 xác định 3 trọng tâm, trong đó trọng tâm thứ 3: “…bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, đồng thời đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại,…”.

chunhiemubtpqh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga.

Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn: “Quy định tổ chức và hoạt động của… Tòa án nhân dân,…”; “Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định”. Nghị quyết số 109 của Quốc hội yêu cầu: “… đẩy mạnh cải cách tư pháp để đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là án hành chính…”.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy: án hành chính là loại việc khó và phức tạp, xảy ra ngày càng nhiều; nếu không có quy định phù hợp thì có thể ảnh hưởng đến tính độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân khi giải quyết loại án này.

Vụ việc sở hữu trí tuệ và vụ việc phá sản tuy hiện nay số lượng chưa nhiều, nhưng tính chất phức tạp và ngày càng tăng theo sự phát triển kinh tế của đất nước. Giải quyết vụ việc sở hữu trí tuệ, phá sản cần có đội ngũ cán bộ chuyên sâu về pháp luật, hiểu biết về các lĩnh vực chuyên môn. Việc thành lập các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về Hành chính, Sở hữu trí tuệ, Phá sản để giải quyết các vụ việc đặc thù là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

“Sau khi cân nhắc về sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt như dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định”- Chủ nhiệm Lê Thị Nga thông tin.

Căn cứ yêu cầu thực tiễn trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao sẽ xây dựng đề án, phương án cụ thể đề xuất nơi đặt trụ sở, số lượng từng Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt;…; báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền cho chủ trương, từ đó báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập vào thời điểm phù hợp, trong đó xác định rõ về phạm vi thẩm quyền và các vấn đề khác có liên quan mà đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến.

toaan2.jpg
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Để bảo đảm tính thống nhất, không tạo ra khoảng trống pháp luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, các cơ quan thống nhất bổ sung khoản 5 Điều 152: “Các Tòa án tiếp tục thực hiện thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hành chính; xét xử sơ thẩm, giải quyết vụ việc về sở hữu trí tuệ; giải quyết vụ việc phá sản theo quy định của pháp luật tố tụng, pháp luật về phá sản cho đến khi các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt được thành lập và hoạt động theo quy định của luật”.

Cần thiết thành lập các Vụ thuộc Tòa án nhân dân cấp cao

Về thành lập các vụ tại Tòa án nhân dân cấp cao trên cơ sở tổ chức lại các phòng Giám đốc kiểm tra (điểm d khoản 1 Điều 51), theo bà Nga, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy: Văn kiện Đại hội đại biểu Tòa n quốc lần thứ XIII của Đảng yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân”.

Nghị quyết số 27 xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030: “Hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh,…”. Hiến pháp năm 2013 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội: “Quy định tổ chức và hoạt động của… Tòa án nhân dân,…”. Nghị quyết số 96 của Quốc hội đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, trong đó yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao: “Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và đạt tỷ lệ 60% trở lên;…”.

toaan3.jpg
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

“Việc thành lập các Vụ tại Tòa án nhân dân cấp cao là nâng cấp một số đơn vị cấp phòng để phù hợp với tính chất, số lượng công việc mà các đơn vị này đang đảm nhiệm, nhằm nâng cao năng lực, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị tham mưu. Vì vậy, việc thành lập các Vụ trên cơ sở tổ chức lại các Phòng Giám đốc, kiểm tra là cần thiết”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.

Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu

Về thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án (Điều 15), theo bà Nga, Nghị quyết số 27 yêu cầu: “Nghiên cứu làm rõ... những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử”.

Thể chế hóa Nghị quyết số 27 và phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta, Điều 15 dự thảo Luật quy định 07 khoản. Tòa án thực hiện nhiệm vụ nào thì quy định cụ thể trong dự thảo Luật. Theo đó, Tòa án hướng dẫn; Tòa án yêu cầu; Tòa án hỗ trợ; Tòa án tiếp nhận tài liệu, chứng cứ; Tòa án kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật.

toan4.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Trong đó, thông qua việc Tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ thì Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ (khoản 3); đồng thời, thông qua việc Tòa án tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp thì Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ (khoản 5).

“Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp các bên (trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và vụ việc khác theo quy định của pháp luật) đã thực hiện các biện pháp cần thiết, nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và có đề nghị thì Tòa án hỗ trợ thu thập (khoản 4). Vì vậy, quy định như Điều 15 của dự thảo Luật là phù hợp và đã thể hiện được ý kiến Đại biểu Quốc hội”- Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được thông qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO