Điều tra

Long An: Dấu hiệu doanh nghiệp sử dụng đất lúa sai mục đích

Chu Phương- Văn Kỳ 13/11/2023 22:11

Hơn 5.000m2 đất có mục đích sử dụng chuyên trồng lúa do một cá nhân đứng tên đã bị san lấp bằng bê tông, xây dựng nhà xưởng kiên cố, rồi một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng. Vụ việc có dấu hiệu của hành vi hủy hoại đất đai quy mô lớn.

Đất lúa biến thành nhà, xưởng của doanh nghiệp

Theo đó, vụ việc xảy ra tại địa bàn xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, Long An. Theo hồ sơ, ông Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm: 1970, thường trú tại quận Tân Bình, TP.HCM) là người dứng tên trên giấy chứng nhận các thửa đất thuộc ấp 4, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, Long An. Nguồn gốc sử dụng đất do ông Mạnh nhận chuyển nhượng lại từ chủ sử dụng trước đó.

1..jpg
Các giấy chứng nhận do ông M. đứng tên là loại đất chuyên trồng lúa nước.

Đáng nói, trong số diện tích đất do ông Mạnh đứng tên, có hàng ngàn mét vuông đất có mục đích sử dụng chuyên trồng lúa nước, chưa được chuyển đổi thành đất thổ cư, hoặc đất có mục đích sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, diện tích 4.346m2 thuộc thửa 2280, tờ bản đồ số 4 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BC971461 do ông Mạnh nhận chuyển nhượng từ ông Trịnh Bội Nghi vào năm 2016.

Tiếp đến 629m2 đất thuộc thửa 3321, tờ bản đồ số 4 do ông Mạnh nhận chuyển nhượng lại từ ông Nguyễn Văn Còn và 145,9m2 đất thuộc thửa 347, tờ bản đồ số 21 thuộc giấy chứng nhận số 490259 do ông Mạnh nhận chuyển nhượng năm 2019. Như vậy, tổng diện tích đất chuyên trồng lúa nước do ông Mạnh nhận chuyển nhượng lại từ các chủ sử dụng khác là 5.120,9m2.

Sẽ không có gì để nói nếu hơn 5.000m2 đất này được sử dụng đúng mục đích trồng lúa nước, thay vào đó đã bị san lấp, đổ bê tông, xây dựng nhà xưởng quy mô “khủng”. Hiện Công ty TNHH Sản xuất mua bán vật liệu xây dựng Đệ Nhất Việt Nam (đăng ký thành lập ngày 10/1/2023) do ông Nguyễn Văn Mạnh làm đại diện pháp luật sử dụng mục đích nhà xưởng kinh doanh vật liệu xây dựng, thạch cao.

2.jpg
Hoạt động xây dựng đang diễn ra trên khu đất

Không biết giữa ông Mạnh và doanh nghiệp trên có sự thỏa thuận, để tự ý chuyển đổi toàn bộ đất trồng lúa trên vào mục đích sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà xưởng hay không. Tuy nhiên, các chủ thể sử dụng đất trên có dấu hiệu vi phạm hàng loạt quy định về đất đai. Ngoài ra, ngày 6/11, phóng viên ghi nhận có các phương tiện xây dựng, đào xới khu đất, xây dựng thêm công trình tại khu đất ông Mạnh đứng tên.

Dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai

Theo quy định tại Điều 3, Nghị định số: 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa thì đất chuyên trồng lúa nước được hiểu là “đất trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm”, như vậy chủ thể sử dụng đất không được phép sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích trồng lúa. Loại đất này Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất mà không thu tiền sử dụng đất, nhằm tạo điều kiện cho đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp canh tác, phục vụ trồng lúa. Tuy nhiên, chủ thể sử dụng đã biến thành đất phục vụ thương mại.

3.jpg
Hàng ngàn mét vuông đất mục đích trồng lúa nước đã bị “hô biến” thành đất nhà, xưởng, sản xuất kinh doanh.

Về điều kiện để được nhận chuyển nhượng loại đất chuyên trồng lúa nước theo khoản 3, Điều 191, Luật Đất đai 2013 thì phải là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp: “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”. Nếu không thuộc trường hợp trực tiếp canh tác thì không được nhận chuyển nhượng loại đất này. Tuy nhiên thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 5.000m2 đất chuyên trồng lúa nước trên, ông Mạnh có địa chỉ đăng ký thường trú tại quận Bình Tân, TP.HCM. Như vậy, trường hợp ông Mạnh nhận chuyển nhượng và sử dụng đất có dấu hiệu sai sai đối tượng.

Ngoài ra, ông Mạnh và doanh nghiệp Đệ Nhất Việt Nam có dấu hiệu vi phạm hàng loạt các quy định về pháp luật đất đai. Thứ nhất, ông Mạnh có dấu hiệu sử dụng đất không đúng mục đích. Tự chuyển đất lúa sang đất có mục đích kinh doanh, thương mại.

Thứ 2, ông Mạnh và Công ty TNHH Sản xuất mua bán vật liệu xây dựng Đệ Nhất Việt Nam có dấu hiệu hủy hoại đất đai khi có đã san lấp, đổ bê tông, xây dựng nhà xưởng kiên cố quy mô lớn trên đất trồng lúa, quy định tại khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai 2013: “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định”.

Thứ 3, nếu ông Mạnh cho doanh nghiệp Đệ Nhất Việt Nam thuê đất sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh là hành vi có dấu hiệu cho thuê không đúng đối tượng, vì doanh nghiệp Đệ Nhất không phải là chủ thể sử dụng đất trồng lúa.

Tình trạng vi phạm pháp luật đất đai có xu hướng diễn biến phức tạp, điển hình như hành vi chuyển nhượng đất không đúng đối tượng, tự ý chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang loại đất khác, xây dựng các công trình không phép… khiến dư luận bức xúc. Tình trạng này gây ra hệ quả phá vỡ quy hoạch, gây khó khăn trong quản lý Nhà nước. Đặc biệt khiến quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp, vi phạm chủ trương đường lối bảo vệ đất nông nghiệp của Đảng, Nhà nước.

4.jpg
Doanh nghiệp Đệ Nhất Việt Nam có dấu hiệu sai phạm về đất đai.

Ngày 9/11, phóng viên trao đổi với ông Nguyễn Văn Mạnh về vụ việc. Ông Mạnh cho biết, hơn 5.000m2 đất chuyên trồng lúa nước ông nhận chuyển nhượng lại từ chủ khác. Theo ông Mạnh, từ khi nhận chuyển nhượng đã có hiện trạng như vậy. Hiện, 4.346m2 ông đã chuyển nhượng cho người khác, các diện tích đất nông nghiệp còn lại ông cho rằng cũng không sử dụng được gì.

Trước đó, ngày 6/11, phóng viên có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Trà My, Chủ tịch UBND xã Tân Bửu. Bà Trà My cho biết, từ trước đến nay chỉ biết doanh nghiệp sản xuất vật liệu Đệ Nhất Việt Nam đóng trên địa bàn chứ không nắm được thông tin diện tích đất trồng lúa nước bị san lấp, xây dựng trái phép.

Chủ tịch UBND xã Tân Bửu sau đó đã tiếp nhận toàn bộ nội dung phóng viên đề nghị, đồng thời cho biết, sẽ cử cán bộ rà soát thông tin vụ việc, khi có có kết quả sẽ phản hồi cụ thể. Nếu có dấu hiệu sai phạm, quan điểm của UBND xã sẽ đề nghị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Hành vi thuộc quy định bị thu hồi đất

Với các hành vi có dấu hiệu vi phạm trên, chủ thể sử dụng đất sẽ bị Nhà nước thu hồi đất điểm a, b,c, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai: “a) Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm; b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; c) Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long An: Dấu hiệu doanh nghiệp sử dụng đất lúa sai mục đích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO