Kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn là yếu tố quyết định sự sinh tồn

Lương Gia Cát Tường| 08/09/2022 19:35

Nắm vững kiến thức và kỹ năng thoát hiểm để duy trì sự sống trong tình huống hỏa hoạn xảy ra ở nhà cao tầng, khu vui chơi công cộng, đặc biệt là quán karaoke hiện nay là hết sức cần thiết.

Theo ghi nhận, số người tử vong trong vụ cháy quán karaoke tại phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương đang dừng lại ở con số 33. Mong rằng đây là con số cuối cùng, nỗi đau thương và mất mát cuối cùng trong tai nạn thảm khốc này.

Con số 33 người tử vong làm tôi bần thần, tôi không dám tưởng tượng họ đã trải qua giây phút cuối cùng của sự sống như thế nào. Tôi cũng không dám tưởng tượng cảnh người thân họ đau đớn như thế nào, bồn chồn như thế nào khi ngồi chờ được gọi tên vào để nhận dạng nạn nhân.

Cháy ITC, đây là một ngày không thể quên của người dân TPHCM và lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố này. Ảnh: IT

Tôi bất chợt nhận ra trong tiềm thức, tôi đã từng trải qua tâm trạng giống như thế này. Cách đây đúng 20 năm, một ngày cuối tháng 10 (chính xác là 29/10/2002), TPHCM nắng vàng như mật rót, bầu trời xanh cao và trong văn vắt, một ngọn lửa bất thình lình bùng lên thành đám cháy dữ dội, phát ra từ tòa nhà Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC, góc Nguyễn Trung Trực - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TPHCM) hung hãn cướp đi sinh mạng 60 con người.

60 người vĩnh viễn ra đi trong một đám cháy, một con số đau thương và đầy ám ảnh. Ám ảnh nhất là hình ảnh một số người nhảy từ ban công xuống “chịu chết”  do không chịu nổi sức nóng, còn lại là những thi thể hầu như đã cháy đen, rất khó nhận dạng…

TPHCM như đổ gục xuống, cả đất nước hướng về TPHCM đau xót, ngậm ngùi. Hai thập kỷ trôi qua nhưng người dân thành phố mỗi khi nhắc lại vẫn còn cảm thấy đau lòng.

Nguyên nhân vụ cháy sau đó đã được xác định, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đã được làm rõ. Đã có 10 người bị truy tố và đi tù. Bài học xương máu được rút ra. Nhưng rồi sau đó cháy xảy ra vẫn để lại hậu quả nghiêm trọng. Năm 2016, tại quán karaoke ở phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy), hỏa hoạn đã khiến 13 người tử vong. Con số 13 cũng là con số người chết vào sáng 23/3/2018 trong vụ cháy tại chung cư Carina Plaza (Quận 8, TP.HCM).  

Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều vụ hỏa hoạn để lại hậu quả nghiêm trọng tiếp tục xảy ra - đặc biệt là cháy quán karaoke. Ngày 01/8 là quán karaoke 231 Quan Hoa, Cầu Giấy (Hà Nội) làm 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC Công an quận Cầu Giấy hy sinh.

Và mới đây là vụ cháy quán karaoke tại phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương làm 33 người thiệt mạng. Liên quan đến vụ cháy, sáng nay 8/9, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức buổi họp báo. 

Tại đây, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên cho biết ông đã chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương sớm khởi tố vụ án theo Điều 313 Bộ luật Hình sự về “Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.

Rồi cũng như nhiều lần khác, nguyên nhân vụ cháy sẽ được điều tra, trách nhiệm thuộc về ai sẽ có luật pháp phân xử. Về phía người dân chúng ta có quyền đòi hỏi chính quyền, nhà đầu tư, chủ cơ sở phải thực hiện đầy đủ về cơ sở pháp lý, điều kiện hoạt động, điều kiện an ninh trật tự, quy chuẩn, quy trình PCCC,  thậm chí đòi truy tố ngay lập tức những ai liên quan.

Lực lượng cứu hộ kiệt sức cứu nạn nhân. Ảnh: IT

Nhưng bên cạnh đó, bài học về kỹ năng thoát hiểm trong đấu tranh sinh tồn thì ít ai chú ý. Kỹ năng thoát hiểm là những kỹ thuật mà một người có thể sử dụng để duy trì sự sống trong tình huống thảm họa. Trong nhiều thảm họa đe dọa cuộc sống của con người, hỏa hoạn xảy ra ở nhà cao tầng, khu vui chơi công cộng, đặc biệt là quán karaoke hiện nay là đáng lo ngại.

Kỹ năng thoát hiểm trong hỏa hoạn ở những nơi này được các chuyên gia khuyến cáo: Trước hết hãy quan sát lối thoát hiểm (có chữ 'Exit'), để ý lối ra cầu thang bộ, vị trí cửa sổ để phòng sự cố khi đến quán karaoke, nhà cao tầng, khu vui chơi công cộng...

Khi phát hiện có cháy, việc đầu tiên là phải bình tĩnh. Bình tĩnh là yếu tố có tính cách quyết định ban đầu làm nền tảng cho quá trình chiến đấu để duy trì sự sống khi gặp tình huống nguy hiểm. Đó là “xương sống” của kỹ năng sinh tồn.

Trường hợp đám cháy quá lớn không thể dập tắt, phải nhanh chóng nghĩ đến phương án thoát hiểm. Tìm cách kéo dài thời gian sống trong khi chờ cứu hộ.

Sử dụng khăn (khẩu trang hay một tấm vải…), thấm nước che kín miệng và mũi, dùng áo khoác dày thấm đẫm ướt nước, trùm lên người trong lúc di chuyển. 

Trong trường hợp bạn đang ở tầng thấp, có thể tìm cách di chuyển xuống dưới và thoát ra ngoài. Nhưng nếu ở tầng cao, hãy tìm cách di chuyển ngược lên trên tầng thượng. 

Nên di chuyển theo thang bộ và đường thoát hiểm, không sử dụng thang máy. Khi di chuyển nên bò, trườn hoặc cúi thấp tránh nguy cơ bị nhiễm độc khói, vì theo tự nhiên, khói có xu hướng bay lên cao.  

Rất tiếc, nhiều người dân còn chưa xem trọng việc học tập và rèn luyện những kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng sinh tồn để tự bảo vệ mình, ít nhất là kéo dài thời gian sống, chờ lực lượng cứu hộ đến giải cứu.

Bài học về kỹ năng thoát hiểm trong đấu tranh sinh tồn cũng cần được mọi người chú ý. Ảnh: IT

Trong một diễn biến khác, tại buổi họp báo, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương Trịnh Ngọc Quyên còn cho biết, khi nhận tin có cháy từ nhân viên, nhiều thực khách vẫn chủ quan, tiếp tục hát, thậm chí còn kéo tay nhân viên vào phòng đóng cửa lại. Nhiều khách trong trạng thái không được tỉnh táo, không đi theo lối thoát hiểm được nhân viên hướng dẫn.

Đây là một bài học cảnh tỉnh cho tất cả các “tín đồ” của karaoke về sự chủ quan, vui chơi quá đà không kiểm soát được hành vi, khi xảy ra sự cố không thể chống đỡ được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn là yếu tố quyết định sự sinh tồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO