Thị trường khép lại một tuần biến động, VN-Index vẫn trụ vững trên ngưỡng 1200 điểm

Mai Anh (TH)| 18/06/2022 16:59

Thị trường trong nước tăng/giảm đan xen trong tuần với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, sự biến động ở thị trường chứng khoán thế giới là một trong các nhân tố ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index. Chỉ số này có thời điểm để mất ngưỡng tâm lý 1.200 điểm, tuy nhiên lúc đóng cửa đều được kéo lên trên mốc này.

Vừa qua, ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tổ chức cuộc họp bất thường nhằm thảo luận về một số vấn đề kinh tế mới nổi trong khu vực, chưa đầy một tuần sau khi cơ quan này phát đi thông báo về một đợt tăng lãi suất trong tháng 7. Sau cuộc họp, ECB cho biết cơ quan này sẽ đẩy mạnh tìm kiếm các giải pháp mới nhằm giảm áp lực mà nhiều quốc gia châu Âu có tỷ lệ nợ cao phải đối mặt một khi lãi suất tăng lên. 

Tại thị trường thế giới, chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương đóng cửa trái chiều sau khi chi số Dow Jones của thị trường Mỹ để mất mốc chủ chốt vào đêm 16/6. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,77%, bên cạnh đó chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng sụt 0,43%. Còn ở Trung Quốc đại lục, thị trường đồng loạt đi lên với chỉ số Shanghai Composite chốt phiên tăng 0,96%, bên cạnh đó chỉ số Shenzhen Component cũng tăng 1,48%. Chỉ số Hang Seng ở thị trường Hong Kong cũng đóng cửa tăng 0,95%. Các thị trường khác như Australia và New Zealand giảm lần lượt 1,76% và 1,09%

Đóng cửa phiên cuối tuần, thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh, trong đó chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ tụt khỏi mốc chủ chốt 30.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021 trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (16/5), khi nhà đầu tư lo rằng nỗ lực quyết liệt nhằm chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Cả ba chỉ số cùng giảm mạnh từ đầu tuần đến nay. S&P 500 đã mất 6%, trong khi Nasdaq trượt 6,1%. Dow Jones đã giảm 4,7% trong tuần và đang trên đà hoàn tất tuần giảm thứ 11 trong vòng 12 tuần trở lại đây.

Thị trường trong nước tăng, giảm đan xen trong tuần này với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, sự biến động ở thị trường chứng khoán thế giới là một trong các nhân tố ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index. Chỉ số này có thời điểm để mất ngưỡng tâm lý 1.200 điểm, tuy nhiên lúc đóng cửa đều được kéo lên trên mốc này.

Đồ thị so sánh VN Index và các thị trường quốc tế. (Ảnh: MBS)

Dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 19,33 điểm (-1,56%) còn 1.217,3 điểm, bên cạnh đó chỉ số VN30 cũng sụt 22,34 điểm (-1,74%) còn 1.258,03 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 88 mã tăng/390 mã giảm, ở nhóm VN30 chỉ có 5 cổ phiếu tăng trong khi có tới 22 cổ phiếu giảm. Nhóm midcap và smallcap cũng giảm lần lượt 2,48% và 2,75%. Các cổ phiếu lớn đã gây sức ép lên thị trường phiên ngày hôm qua là: VCB (-3,79%), MBB (-6,43%), CTG (-4,66%), TCB (-4,3%), VPB (-3,79%), …đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu khác như: GAS (+4,69%), MSN (+5,69%), POW (+4,55%), EIB (+2,45%), REE (+2,27%), …

Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE tăng lên mức 15.638 tỷ đồng so với mức 13.816 tỷ đồng ở phiên 16/6 và mức bình quân 14.946 tỷ đồng ở tuần trước. Tổng cộng có 684 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 577 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó. Khối ngoại mua ròng 338,67 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua tập trung tại các cổ phiếu như HPG, VND, DXG, VHM, VNM, … Ở chiều ngược lại, VIC, DGC, NVL, MWG, E1VFVN30 … là những cổ phiếu quỹ bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên ngày 17/6. 

Đồ thị kỹ thuật VN Index. (Ảnh: MBS)

Bên cạnh đó, theo báo cáo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), thị trường hợp đồng tương lai (HĐTL) áp lực bán lớn xuyên suốt phiên giao dịch đã khiến cả 4 HĐTL đóng cửa giảm từ 8,3 đến 38,1 điểm. Cụ thể, VN30F2207 giảm 1,1% xuống mức 1.245,2 điểm, hiện đang thấp hơn 12,83 điểm so với chỉ số cơ sở VN30. Trong khi đó, tổng thanh khoản thị trường phiên hôm qua tăng 42% so với phiên liền trước, đạt 456.385 hợp đồng được khớp lệnh trong phiên. 

Giới chuyên gia của MSB cũng nhận định, kết phiên khép lại một tuần với nhiều sự kiện tác động mạnh đến thị trường trong nước, từ các quyết định chính sách lãi suất của Fed hay ECB, đến việc các quỹ ETF cơ cấu danh mục và thị trường phái sinh áp dụng các tính giá thanh toán mới, chỉ số VN-Index đã có thời điểm chịu sức ép để mất ngưỡng tâm lý quan trọng 1.200 điểm nhưng đều được “vá đáy” thành công. Trong khi khối ngoại là điểm sáng hiếm hoi trên thị trường thì nhà đầu tư trong nước chấp nhận cắt lỗ khi có tới 3/5 phiên trong tuần này thị trường đóng cửa với hàng trăm cổ phiếu ở mức giá sàn.

Thanh khoản tuần này đã có sự cải thiện so với tuần trước tuy nhiên đây lại là tuần các quỹ ETF cơ cấu danh mục nên thanh khoản thường tăng, do vậy phải quan sát tuần sau kỳ cơ cấu để đánh giá lại dòng tiền khi mà cung cầu trên thị trường sẽ quay lại trạng thái bình thường. Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index vẫn trụ vững trên ngưỡng 1.200 điểm và chưa về mức đáy tháng 5, tuy nhiên đã có nhiều cổ phiếu đã để thủng đáy, phần lớn trong đó là nhóm cổ phiếu smallcap. Áp lực giảm trong tuần này trên diện rộng, tuy nhiên dòng tiền vẫn tìm được cơ hội đầu tư ở các nhóm có sức hút như: dầu khí, hóa chất, sản xuất điện, bán lẻ, thủy sản,… Do đó, nhà đầu tư nên xử lý danh mục theo cổ phiếu riêng lẻ, với các nhóm cổ phiếu đang được dòng tiền tập trung như trên có thể tiếp tục nắm giữ và nên bán những cổ phiếu đã để mất vùng đáy cũ, giữ tỷ trọng danh mục ở mức cân bằng và không mua đuổi trong các phiên tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường khép lại một tuần biến động, VN-Index vẫn trụ vững trên ngưỡng 1200 điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO