Nhân viên kiệt sức, doanh nghiệp tìm giải pháp

Mai Anh| 19/07/2022 11:52

Sau đại dịch Covid -19, nhiều người lao động đối mặt với áp lực công việc và các vấn đề về sức khỏe dẫn đến phải bỏ việc. Các công ty đều đang tìm cách giải quyết bằng việc đầu tư nhiều hơn chế độ phúc lợi và chăm sóc y tế dành cho nhân viên.

Tình trạng kiệt sức của nhân viên trên toàn cầu 

Viện Sức khỏe McKinsey (MHI) đã tổ chức một cuộc khảo sát toàn cầu với gần 15.000 nhân viên của doanh nghiệp tại 15 quốc gia cho thấy, đồng thời phân tích 1.000 quyết định về nhân sự của các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy mối liên hệ giữa công việc với những thách thức về tinh thần và sức khỏe của nhân viên ngày càng tăng.

Các khía cạnh về nơi làm việc được đánh giá trong cuộc khảo sát bao gồm: mức độ tệ hại môi trường làm việc; tính bền vững của công việc; sự hòa nhập trong công ty; các cam kết của tổ chức; trách nhiệm của lãnh đạo và khả năng để nhân viên tiếp cận các nguồn lực. Đồng thời, các yếu tố phân tích kết quả cũng dựa trên các khía cạnh công việc liên quan như: ý định nghỉ việc; mức độ gắn bó với công việc; sự hài lòng về công việc và sự ủng hộ dành cho tổ chức.

4 vấn đề chính về sức khỏe của nhân viên được phân tích gồm: các triệu chứng lo lắng, kiệt sức, trầm cảm và đau khổ. Bên cạnh đó, khả năng thích ứng của từng cá nhân cũng được đánh giá. 

Ảnh minh hoạ

Cuộc khảo sát đã chỉ ra sự mất kết nối giữa nhân viên và người sử dụng lao động trong nhận thức về tinh thần cũng như sức khỏe tại các công ty. Trung bình chỉ 22% doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và đánh giá các khía cạnh tại nơi làm việc liên quan đến sức khỏe của nhân viên.

Cứ 4 nhân viên thì 1 nhân viên cho biết họ đã trải qua các triệu chứng kiệt sức. Họ cho biết, môi trường làm việc tệ hại được đánh giá qua các tiêu chí như: khối lượng công việc quá nhiều, làm việc quá 8h/ ngày, bất an trong cả ngày làm việc, có thể bị sa thải bất cứ lúc nào, mức độ nguy hiểm và độc hại trong quá trình làm việc…

Kiệt sức không đơn giản là cảm thấy mệt mỏi, uể oải, cần nghỉ ngơi hoặc “đi trốn” vài ngày để lấy lại năng lượng. Trái lại, kiệt sức là một “căn bệnh mãn tính”, tích tụ dần theo thời gian và không thể xử lý bằng giải pháp ngắn hạn.

Các cấp quản lý cần lưu ý kiệt sức là biểu hiện mang tính cá nhân của nhân sự, nhưng lại thể hiện vấn đề mang tính hệ thống của nơi làm việc. Cuộc khảo sát cũng cho thấy các nhà tuyển dụng đang xem nhẹ tác động của nơi làm việc đến vấn đề kiệt sức của nhân viên và không đầu tư vào các giải pháp mang tính hệ thống. 

Các doanh nghiệp có xu hướng bỏ qua tác động của nơi làm việc 

Trên 15 quốc gia tham gia khảo sát với tất cả các khía cạnh được đánh giá, môi trường làm việc kém là yếu tố dự báo lớn nhất về các triệu chứng kiệt sức của nhân viên. Đây cũng là con số đáng báo động với dự đoán 60% nhân viên có ý định từ bỏ công việc của mình.

Hầu hết các khảo sát tích cực đều nằm ở kết quả là "sự hòa nhập với môi trường công ty" và "công việc bền vững". Ở cấp độ toàn cầu, tỷ lệ các vấn đề kiệt sức thay đổi theo các nhóm nhân khẩu học, bao gồm giới tính, nhiệm kỳ, độ tuổi, công việc gián tiếp/trực tiếp, vai trò quản lý - không quản lý và các yếu tố khác.

Một môi trường làm việc tệ sẽ gây ra sự lo lắng, căng thẳng và có thể gây tổn hại đến sức khỏe. Môi trường này khiến người sử dụng lao động không lường trước được hậu quả. Bởi một khi người lao động rơi vào tình trạng kiệt sức, họ sẽ có ý định rời bỏ công việc, cuối cùng dẫn đến sự thiếu hụt nhân sự và tăng chi phí đào tạo nhân sự của doanh nghiệp.

Trong cuộc khảo sát trên, những nhân viên đã trải qua môi trường làm việc tệ hại có nguy cơ gặp phải các triệu chứng kiệt sức cao gấp 8 lần nhân viên bình thường. Số người chia sẻ việc gặp phải các triệu chứng kiệt sức sẽ có khả năng rời bỏ công ty trong vòng 3-6 tháng cao hơn gấp 6 lần bình thường.

Ảnh minh hoạ 

Tỷ lệ này cũng báo hiệu đây sẽ cơ hội để các nhà tuyển dụng thay đổi. Bởi theo ước tính, chi phí thay thế nhân sự và đào tạo nhân viên mới sẽ tốn khoản chi phí khoảng từ 1-2 năm lương của nhân viên bình thường. Nếu doanh nghiệp không tìm ra giải pháp có thể dẫn đến một vòng xoáy đi xuống trong hiệu suất của cá nhân và tổ chức. 

Khả năng thích ứng và phục hồi của nhân viên không bù đắp được tác động môi trường làm việc 

Môi trường làm việc tệ hại không phải là một thách thức dễ dàng để giải quyết. Một số nhà tuyển dụng tin rằng giải pháp đơn giản là đào tạo tăng khả năng chịu đựng của nhân viên. Tuy nhiên, khảo sát của MHI chỉ ra rằng những nhân viên dễ thích nghi chỉ có lợi thế hơn trong việc thay đổi sự quản lý và môi trường ngoại cảnh.

Sai lầm của những người sử dụng lao động là coi việc xây dựng các kỹ năng phục hồi và khả năng thích ứng của các cá nhân làm giải pháp duy nhất. Các kỹ năng cá nhân không thể bù đắp cho các yếu tố không hỗ trợ tại nơi làm việc.

Ngoài ra, trong khi những nhân viên dễ thích nghi lại làm việc trong môi trường kém thì ít có khả năng họ sẽ chịu đựng những điều đó. Trong cuộc khảo sát, hơn 60% nhân viên có khả năng thích ứng cao có ý định rời công ty nếu môi trường không tốt so với những nhân viên có khả năng thích ứng thấp, điều này có thể liên quan đến mức độ tự tin. Do đó, việc dựa vào cải thiện khả năng thích ứng của nhân viên có thể khiến người sử dụng lao động có nguy cơ mất đi một số nhân viên có khả năng thích nghi nhanh nhất. 

Giải pháp cho các công ty

Ảnh minh hoạ 

Nhiều nhà tuyển dụng nghĩ sức khỏe, tinh thần và tình trạng kiệt sức của nhân viên là một vấn đề cá nhân. Đó là lý do tại sao hầu hết các công ty đều đối phó với tình trạng trên bằng cách cung cấp gói chương trình chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, tình trạng kiệt sức là do nhân viên phải trải qua sự mất cân đối mang tính hệ thống về tổ chức giữa nhu cầu công việc và nguồn lực dành cho công việc. Tỷ lệ nhân viên kiệt sức cao như một dấu hiệu cảnh báo rằng tổ chức cần phải có sự thay đổi mang ý nghĩa hệ thống.

Thực hiện chiến dịch mang ý nghĩa hệ thống tức là giải quyết các hành vi mang yếu tố độc hại tại nơi làm việc, thiết kế lại mô hình làm việc, đầu công việc bao quát toàn diện, bền vững và hỗ trợ sự học hỏi và phát triển của nhân viên, đào tạo kỹ năng thích ứng của cả lãnh đạo và nhân viên. Doanh nghiệp cần xem xét lại các hệ thống tổ chức, quy trình và các biện pháp khuyến khích để nhân viên có kỳ vọng trong công việc và được tôn trọng trong môi trường tập thể.

Là một nhà tuyển dụng, các công ty không thể buộc nhân viên “tập yoga” theo cách của mình để thoát khỏi tình trạng kiệt sức số lượng lớn. Những người sử dụng lao động cố gắng cải thiện tình trạng kiệt sức của nhân viên mà không giải quyết các vấn đề về môi trường làm việc hầu hết đều thất bại. Do đó, khi môi trường làm việc tệ hại còn ở “mức độ thấp”, mỗi can thiệp của doanh nghiệp sẽ góp phần làm giảm kết quả tiêu cực và tăng kết quả tích cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân viên kiệt sức, doanh nghiệp tìm giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO