Phiên giao dịch 15/6, VN-Index phục hồi trở lại ngưỡng 1.200 điểm, tương đương mức đáy ngày 23 - 24/5, trong khi đó nhóm cổ phiếu smallcap đã giảm liên tiếp 4 phiên, về mức đáy tháng 5. Dự báo trong phiên giao dịch hôm nay, chỉ số VN-Index có thể trở lại vùng kháng cự gần 1.220 – 1.230 điểm.
Thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương vẫn diễn ra trái chiều. Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục phục hồi trong bối cảnh nền kinh tế nước này có những dấu hiệu khởi sắc. Trung Quốc vừa công bố một loạt các dữ liệu cho thấy kinh tế tháng 5 đạt kết quả tốt hơn dự báo, mặc dù trong khoảng thời gian đó nền kinh tế số 2 thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt. Sản lượng công nghiệp Trung Quốc tăng 0,7% trong tháng 5 so với năm ngoái, trái ngược với dự báo giảm 0,7% của Reuters. Trong tháng 4, chỉ số này từng bất ngờ giảm 2,9%.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,14%, bên cạnh đó chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng sụt 1,83%. Còn tại Trung Quốc đại lục, thị trường đồng loạt đi lên với chỉ số Shanghai Composite chốt phiên tăng 0,5%, bên cạnh đó chỉ số Shenzhen Component cũng tăng 0,95%. Chỉ số Hang Seng ở thị trường Hong Kong cũng phục hồi và tăng 1,14%. Các thị trường khác như Australia và New Zealand tiếp tục giảm, lần lượt mất 1,27% và 0,77% .
Trong bối cảnh lợi suất trái phiếu đi lên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất mạnh hơn dự báo ban đầu lên 0.75 điểm phần trăm. Cách đây ít lâu, thị trường dự báo mức tăng lãi suất của lần họp này là 0,5 điểm phần trăm. Tốc độ tăng lãi suất hơn mức dự kiến này được coi là tín hiệu tiêu cực với thị trường.
Thị trường trong nước lại có phiên giảm trên diện rộng với nhiều cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn. Lực bán mạnh diễn ra ở các nhóm cổ phiếu như: chứng khoán, thép, bất động sản,… Thanh khoản thị trường tăng khi chỉ số Vn Index bị ép xuống dưới ngưỡng 1.200 điểm khiến các nhà đầu tư phải xử lý danh mục. Bên cạnh đó, việc khối ngoại quay đầu bán ròng cũng tạo áp lực lên thị trường phiên hôm qua.
Dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN Index giảm 16,38 điểm (-1,33%) còn 1.213,93 điểm, bên cạnh đó chỉ số VN30 cũng sụt 8,07 điểm (- 0,64%) xuống 1.253,09 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 93 mã tăng/373 mã giảm, ở rổ Vn30 chỉ có 6 cổ phiếu tăng trong khi có tới 22 cổ phiếu giảm. Nhóm midcap và smallcap tiếp tục giảm 2,28% và 2,88%.
Các cổ phiếu lớn đã gây sức ép lên thị trường phiên này là: GVR (- 6,87%), HPG (-2,97%), GAS (-1,59%), CTG (-2,97%), VNM (- 2,42%) và lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu khác như: MWG (+2,93%), SSB (+3,03%), VGC (+5,51%), FPT (+1,57%), SAB (+1,33%),… Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE tăng lên 14.784 tỷ đồng so với mức 13.142 tỷ đồng ở phiên 14/6 và mức bình quân 14.946 tỷ đồng ở tuần trước. Tổng cộng có 627 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 534 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.
Khối ngoại quay lại bán ròng 170,78 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán tập trung tại các cổ phiếu như DGC, VNM, VND, VIC, MSN,… Ở chiều ngược lại, VHC, VGC, HPG, NLG, DPM,…là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên 15/6.
Theo thống kê từ Công ty Cổ phần Chứng khoán MB, các nhóm cổ phiếu như: chứng khoán, thép, bất động sản,… đang gặp áp lực bán rất mạnh, trong đó có nhiều cổ phiếu giảm sàn. Thị trường giảm phiên 15/6 không chịu tác động từ thị trường thế giới khi các hợp đồng tương lai trên thị trường Mỹ xanh, bên cạnh đó Chứng khoán châu Âu cũng phục hồi khi ECB thông báo một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về các điều kiện thị trường hiện tại.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index test lại ngưỡng tâm lý 1.200 điểm và hồi trở lại, tương đương mức đáy ngày 23 và 24/5, trong khi đó nhiều cổ phiếu đã về mức đáy tháng 5, trong đó nhóm cổ phiếu smallcap đã thủng đáy. Nhịp giảm khiến chỉ số VN-Index có thể bị ép qua ngưỡng 1.200 điểm khiến nhu cầu cắt lỗ gia tăng. Do vậy, nhà đầu tư nên giữ danh mục cân bằng, không trung bình giá cũng không dùng marign ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng phiên giao dịch hôm nay là ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 6/2022 nhưng do hiện tại đã thay đổi cách tính giá thanh toán cuối cùng vào ngày đáo hạn hợp đồng tương lai nên những biến động mạnh về cuối phiên và nhất là trong phiên ATC có thể sẽ ít xảy ra hơn trước kia. Đồng thời, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng nhận định rủi ro ngắn hạn của thị trường chung vẫn ở mức cao, điểm tích cực là lực cầu gia tăng tại các vùng giá thấp khi định giá thị trường quay trở lại rất hấp dẫn (P/E TTM của VN-Index giảm về gần mức 12.x).