Nhận định thị trường 14/6: Dừng mua mới, nâng tỉ lệ tiền mặt

Mai Anh (t/h)| 14/06/2022 12:23

Sau phiên đầu tuần 13/6, VN Index không vượt qua khu vực điểm 1300 và giảm mạnh cho thấy nhịp sóng hồi đã kết thúc. Thị trường sẽ bước vào nhịp điều chỉnh hoàn tất chu kỳ giảm, do vậy, các nhà đầu tư nên hạn chế mua mới, nâng cao tỷ lệ tiền mặt và kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu tích cực từ thị trường.

Rủi ro ngắn hạn của thị trường đang ở mức cao 

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tâm lý dòng tiền tiêu cực bao phủ toàn thị trường khiến cho chỉ số chung liên tục giảm mạnh lùi về vùng 1230. Diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới cũng như việc thiếu vắng tin tức tích cực hỗ trợ thị trường khiến cho tâm lý nhà đầu tư khá "yếu". 

Cụ thể, ngay từ đầu phiên sáng 13/6, VN Index diễn biến cùng nhịp với chứng khoán thế giới. Chỉ số chung chìm trong sắc đỏ và mở cửa giảm hơn 20 điểm với áp lực bán chủ động ở toàn bộ nhóm ngành. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng chịu sự điều chỉnh mạnh khi đa phần nhóm VN 30 đều giảm hơn 4%. Đến phiên chiều, tâm lý dòng tiền trở nên tiêu cực hơn khi thanh khoản gia tăng mạnh ở chiều bán chủ động khiến chỉ số chung lùi về vùng 1230. Bên cạnh tâm lý ảm đạm của dòng tiền khối nội. khối ngoại trong phiên cũng chủ động bán ròng với thanh khoản đạt 169.4 tỷ, tập trung bán FUEVFVND, SSI, CTG. Lực cầu xuất hiện khá yếu đã không thể giúp được thị trường thu hẹp đà giảm. Kết phiên VN Index giảm 57.04 điểm tương đương với 4.44% xuống 1227.04. Tương tự với VN Index, HNX Index điều chỉnh giảm mạnh 18.07 điểm và đóng cửa tại 288.37. 

Diễn biến VN Index những phiên vừa qua. Ảnh: vcbs.com

Về góc nhìn kỹ thuật VCBS nhận định, VN Index không thể vượt thuyết phục vùng điểm 1300 tương đương với ngưỡng Fibonacci thoái lui 0.382 và sau đó giảm mạnh cho thấy đà phục hồi của thị trường đã chấm dứt. Vùng hỗ trợ đầu tiên của thị trường sẽ nằm quanh 1225, nếu diễn biến tiêu cực tiếp tục diễn ra khiến chỉ số thủng vùng điểm số này thì khả năng cao VN Index sẽ quay về kiểm tra vùng đáy cũ 1170. Do đó, các nhà đầu tư nâng cao tỷ lệ tiền mặt, hạn chế giải ngân bắt đáy sớm và kiên nhẫn chờ đợi thị trường ổn định để có thể mua cổ phiếu với mức chiết khấu tốt. Đây cũng là cơ hội mở ra với các nhà đầu tư dài hạn có thể trạng tài chính tốt và niềm tin vào triển vọng dài hạn. 

Tác động từ chứng khoán thế giới 

Dữ liệu thống kê từ Công ty Cổ phần chứng khoán MB (MBS) cho thấy, thị trường trong nước đang chịu áp lực lớn từ biến động chứng khoán thế giới. Thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương giảm điểm trong bối cảnh cổ phiếu công nghệ bị bán tháo sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm hiện ở ngưỡng 3,1892%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm tăng lên ngưỡng 3,1464%. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,01%, bên cạnh đó chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng sụt 3,52%, còn ở Trung Quốc đại lục, thị trường đồng loạt đi xuống với chỉ số Shanghai Composite chốt phiên giảm 0,89%, bên cạnh đó chỉ số Shenzhen Component cũng giảm 0,3%. Trong khi đó Chỉ số Hang Seng ở thị trường Hong Kong giảm mạnh nhất khu vực 3,55%. 

Trong tuần này, một loạt các dữ liệu kinh tế Trung Quốc sẽ được công bố trong đó có sản lượng công nghiệp và doanh thu bán lẻ tháng 5. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát cao kỷ lục trong tháng 5/2022 đã khiến thị trường hoài nghi liệu các nhà hoạch định chính sách có đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn hoặc đưa ra dự báo tăng lãi suất mạnh hơn trong tương lai. 

Ảnh minh hoạ

Trước bối cảnh đó, thị trường trong nước có phiên giảm mạnh nhất kể từ mức đáy hồi tháng 5 vừa qua. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 38 mã tăng/ 458 mã giảm, ở rổ Vn30 chỉ có 1 cổ phiếu tăng trong khi có tới 29 cổ phiếu giảm, bên cạnh đó, nhóm Midcap và Smallcap cũng giảm lần lượt 5,28% và 5,32%. Các cổ phiếu lớn đã gây sức ép lên thị trường phiên này là: MSN ( - 6,84%), VHM ( -3,37%), VPB ( -6,96%), BID ( -5,47%), CTG ( - 6,83%),…đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu khác như: EIB (+1,64%), POW (+1,67%), VSH (+3,04%), NT2 (+3,02%), PDN (+6,96%), …Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE tăng lên mức cao nhất 4 tuần, đạt 17.766 tỷ đồng so mức bình quân 14.946 tỷ đồng ở tuần trước. Tổng cộng có 709 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 529 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó. Khối ngoại bán ròng 77,23 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán tập trung tại các cổ phiếu/chứng chỉ quỹ như FUEVFVND, DGC, SSI, VCB, VIC, CTG ,…Ở chiều ngược lại, BSR, GAS, GMD, DCM, MSN,… là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này. 

Số lượng cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn gần 240 mã gợi cho nhà đầu tư chuỗi giảm từ giữa tháng 4 giữa tháng 5 vừa qua dù không có bất kỳ thông tin bất lợi nào từ trong nước. Thị trường cũng đã dự phóng ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán thế giới tuần này khi đã có phiên giảm mạnh ở phiên cuối tuần trước. Đợt giảm này có thể không xuất phát từ áp lực margin như giai đoạn tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Bên cạnh đó, ở 3 tuần thị trường hồi phục, mức thanh khoản cũng rất thấp. Do vậy, tác động từ thị trường quốc tế là nguyên nhân chính khiến thị trường gặp áp lực bán trên diện rộng, nhà đầu tư nên hành động cẩn trọng trong những phiên tới. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần theo dõi động thái của FED trong cuộc họp tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sắp tới diễn ra vào ngày 15-16/6.

Nếu FED quyết định tăng lãi suất thêm 0,5% thì TTCK Việt Nam khả năng sẽ hồi trở lại. Còn nếu FED tăng lãi suất thêm 0,75% (cao hơn kỳ vọng của thị trường) thì có khả năng VN-Index sẽ quay trở lại vùng gần 1200 điểm. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhận định thị trường 14/6: Dừng mua mới, nâng tỉ lệ tiền mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO