Hữu Nghị - Chi Lăng: Nhà đầu tư kiến nghị vì dự án bị đình trệ
Công ty Đèo Cả có văn bản gửi các cơ quan ban ngành tỉnh Lạng Sơn, ngân hàng Vietinbank liên quan đến việc đầu tư Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Dù các nhà đầu tư đã góp hơn 400 tỷ đồng từ hơn 3 năm nay để chi trả cho giải phóng mặt bằng, tư vấn thiết kế, thi công nhưng không đem lại hiệu quả.
Phản ánh đến Công lý & Xã hội, ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Công ty Đèo Cả) cho biết, năm 2015, khi được Lạng Sơn mời thay thế nhà đầu tư UDIC thực hiện Dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, công ty đã đánh giá dự án không khả thi vì thiếu tính kết nối khi còn 30km nữa mới đến Thành phố Lạng Sơn, thu phí 2 đầu sẽ ảnh hưởng đến lợi ích người dân.
Thời điểm đó, ông Trần Sỹ Thanh - Bí thư Tỉnh ủy, ông Phạm Ngọc Thưởng - Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn đã thuyết phục Công ty Đèo Cả bằng việc đồng hành với các cơ quan Trung ương, cùng nêu cao trách nhiệm đối với sự phát triển hạ tầng giao thông đất nước, xác định vừa làm vừa tháo gỡ, quyết tâm tiếp tục triển khai tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng để liên thông các cửa khẩu, tăng hiệu quả dự án.
Cuối năm 2019, nhà đầu tư đưa cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vào hoạt động sau hơn 2 năm xây dựng, vượt kỷ lục các tuyến cao tốc trước đó. Để phục vụ an sinh xã hội, các bên đã thống nhất giảm 1 trạm thu phí, 10.000 xe cho người dân địa phương. Sự điều chỉnh đó khiến ngân hàng bị thiếu hụt nguồn trả lãi vay tới hàng trăm tỉ đồng (660 tỉ đồng cho 4 năm đầu của Dự án Bắc Giang - Lạng Sơn và 112 tỉ đồng cho hai năm đầu Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng) so với phương án tài chính ban đầu.
Trong văn bản 460/KTNN ngày 28/12/2020 của Kiểm toán Nhà nước gửi Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (gọi tắt là Ban QLDA) tỉnh Lạng Sơn có nội dung: “Trong trường hợp đến năm 2022, dự án chưa thể bổ sung được nguồn vốn ngân sách Nhà nước như dự kiến và lưu lượng xe không tăng trưởng đúng kỳ vọng, đồng thời tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng chưa thể triển khai đúng tiến độ thì khả năng hoàn vốn của dự án có thể không đảm bảo tính khả thị theo theo phương án tài chính được duyệt”.
Cuối năm 2019, Đèo Cả đưa cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vào hoạt động sau chỉ hơn 2 năm xây dựng
Trong quá trình thực hiện dự án, Ngân hàng đã báo cáo thực trạng khó khăn của dự án để được hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ban QLDA của tỉnh Lạng Sơn lại có Báo cáo số 251/BC-BQLDA, đề nghị tách phần nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư độc lập một đoạn tuyến đầu tư công do tỉnh chủ trì, phần còn lại để cho nhà đầu tư đầu tư theo hình thức BOT.
Theo phương án này, dự án Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ có thời gian thu phí lên tới gần 40 năm trong khi một số dự án thành phần của Cao tốc Bắc Nam có phần hỗ trợ của Nhà nước 50 % vốn đầu tư, thời gian hoàn vốn dưới 20 năm đều chưa tìm được nhà đầu tư tham gia.
Theo Công ty Đèo Cả, đề xuất của Ban QLDA là gây bất lợi cho nhà đầu tư, phải chăng vì “lợi ích nhóm” bởi khó có ngân hàng thương mại nào chấp nhận thu hồi vốn trong khoảng thời gian dài đến như vậy nên dự án phải quay về đầu tư công, Ban QLDA sẽ thực hiện việc chọn lựa các nhà thầu.
Ông Trần Văn Thế nhận định: “Nguồn vốn chủ sở hữu hơn 400 tỷ đồng các nhà đầu tư đã góp từ hơn 3 năm nay để chi trả cho giải phóng mặt bằng, tư vấn thiết kế, thi công không đem lại hiệu quả do dự án bị đình trệ kéo dài. Với phương án đề xuất tách nhỏ thành 2 dự án. Trong đó, có 1 dự án đầu tư công độc lập, tỉnh đã đẩy phần khó khăn, thiệt hại và rủi ro về dự án đầu tư PPP còn lại”.
Nhận thấy cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt đơn vị trực tiếp quản lý là Ban QLDA liên tục đưa ra các điều kiện khó, gây cản trở, thiếu hợp tác tháo gỡ các tồn tại trước đây khiến cho thời gian chuẩn bị thực hiện dự án kéo dài, gây ra nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, Công ty Đèo Cả tuyên bố sẽ rút khỏi liên danh nhà đầu tư tham gia Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng.
“Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, uy tín đã cam kết với người dân, chúng tôi chủ động dừng đầu tư dự án này để tập trung cho các khu vực khác. Chúng tôi sẽ trở lại tham gia đấu thầu lựa chọn lại nhà đầu tư khi các tồn tại được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết”, ông Trần Văn Thế cho biết.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.