Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân lúa gạo rớt giá
Trước tình trạng lúa gạo vụ đông xuân tiêu thụ chậm, giá thấp, chính quyền các địa phương đã vào cuộc để hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp lại than khó vì lãi suất ngân hàng.
Nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước một vụ mùa đầy khó khăn, thậm chí bị thua lỗ nặng khi lúa chất lượng cao, cho gạo dẻo thơm cũng bán không được giá. Hiện, giá lúa tại nhiều địa phương như Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang,... đang có xu hướng giảm. Giá lúa IR 50404 tươi chỉ còn 4.400 - 4.500 đồng/kg; lúa thơm Jasmine chỉ còn 4.700 đồng/kg, giảm hơn 1.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm ngoái.
Xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam đang gặp khó khăn.
Trao đổi với PV, bà Võ Thị Ánh Tuyết, Giám đốc công ty TNHH PT TM DV XNK Trường Thuận Phú (TP.HCM) cho biết: “Không phải doanh nghiệp chúng tôi không muốn đồng hành cũng bà con nông dân, nhưng tình hình là nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cũng gặp nhiều trở ngại”.
Bà Ánh Tuyết phân tích: “Hiện nay, mức lãi suất ngân hàng đối với chúng tôi vừa tăng từ khoảng 6% lên đến hơn 9%. Trong khi sau Tết, phía bên Campuchia cũng trúng mùa, sản lượng lúa gạo rất lớn. Chính vì thế, khi chưa ký kết được những đơn hàng mới, chúng tôi cũng rất khó để thu mua lúa gạo giúp bà con nông dân. Mỗi ngày, nông dân khắp nơi như Cà Mau, An Giang,...đều gọi điện cho tôi, nhờ thu mua lúa gạo. Nhưng thật tình là chúng tôi cũng đang vất vả để xoay sở”.
Năm nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long xuống giống khoảng 1,5 triệu ha lúa, sản lượng dự kiến đạt 11 triệu tấn. Đông xuân được coi là vụ lúa lớn nhất trong năm, người dân đặt nhiều kỳ vọng sẽ trúng mùa, được giá nên việc giá lúa giảm khiến bà con đứng ngồi không yên.
Trước tình hình này, chính quyền các địa phương đang ráo riết vào cuộc. UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ thu mua lúa tạm trữ giúp dân trước tình hình giá lúa xuống thấp. Trước mắt, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận với những nguồn vốn vay thu mua lúa. Các doanh nghiệp, hợp tác xã có điều kiện sẽ triển khai sấy và lưu kho giúp nông dân.
Còn tại TP.Cần Thơ, lãnh đạo UBND địa phương đã họp với các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo và 13 ngân hàng để bàn giải pháp, kế hoạch hỗ trợ người dân. Ngoài vấn đề về vốn vay ngân hàng, các doanh nghiệp còn cho rằng đang thiếu thông tin thị trường, đặc biệt là thị trường lớn từ Trung Quốc.
Báo cáo từ cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã đưa ra cảnh báo, năm 2019, xuất khẩu gạo sang thị trường lớn Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều thách thức do các chính sách tăng thuế đối với mặt hàng gạo, thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đẩy mạnh chính ngạch và những thay đổi về tổ chức quản lý bên phía quốc gia này.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.