Kinh doanh hoá chất bị trở thành đồng phạm pha chế hàng giả (Kỳ 2): Bị can gửi đơn tố cáo bị bức cung

Thái Đoàn| 30/05/2022 12:46

Chị Nguyễn Thị Thu Hoà phản ánh cho biết, trong thời gian bị tạm giữ, là những ngày mà tinh thần như rối loạn khi các cuộc hỏi cung có dấu hiệu bức cung.

Ngay khi được ra khỏi trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Nông, chị Nguyễn Thị Thu Hoà đã phản ảnh việc bị bức cung trong trạng thái khủng hoảng tinh thần. Chị Hoà cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt giữ chị vào ngày 31/5/2019 và cho tại ngoại sau 05 (năm) tháng, nhưng khi đưa vào hồ sơ điều tra, cơ quan công an và VKS chỉ ghi giam chị 11 ngày từ ngày 31/5/2019 đến 11/6/2019.  

Chị Hoà đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền. Trong đơn tố cáo gần đây gửi đến Viện trưởng VKSNDTC, chị Hoà thông tin:  “Tôi bị cho nhịn đói, nhịn khát, lấy khẩu cung từ sáng sớm đến tối mới cho ra khỏi phòng lấy cung với đủ thứ lời đe doạ. Nhiều ngày tận 10 giờ đêm mới cho tôi về buồng giam. Có những lúc tôi muốn tìm cách treo cổ chết cho xong. Nhưng nghĩ lại gia đình, con tôi còn nhỏ, cháu nhỏ lúc tôi bị bắt mới 22 tháng tuổi”.

Việc bức cung, ép cung có hay không là một vấn đề xác nhận sự thật rất khó khi phòng hỏi cung chỉ có bị can và điều tra viên. Tuy vậy, chị Hòa cho rằng các bản cung đối với chị Hoà có không ít dấu hiệu bức cung, ép cung. Cụ thể, bản cung ngày 01/06/2019 do Điều tra viên H.V.D thực hiện kéo dài liên tục từ 9h15’ đến 18h. Bản cung ngày 27/12/2019 do Điều tra viên L.X.T thực hiện kéo dài liên tục từ 8h đến 16h.

Trong một buổi sáng từ 8h30 đến 11h ngày 24/7/2019, chị Hoà bị 2 điều tra viên di lý qua lại 2 vị trí khác nhau để lấy cung, cụ thể: Điều tra viên C.X.M lấy cung tại Nhà tạm giữ Công an thị xã Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông, còn Điều tra viên H.V.T lấy cung tại Trụ sở Công an thị xã Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông.

Kho chứa hàng Công ty Phạm Sơn tại phường Thới An Đông, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ

Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng: “Trong một buổi thực hiện 2 bản cung với 2 Điều tra viên ở hai nơi khác nhau, tinh thần bị can không thể đủ tỉnh táo để làm việc. Thời gian lấy cung từ sáng tới chiều tối là quá dài bị can bị tạm giam không thể còn đủ tỉnh táo để khai báo trung thực sự việc, tinh thần suy sụp đối việc hỏi cung. Hơn nữa bị can đang có con nhỏ mới 22 tháng tuổi. Tôi cho rằng, những bản cung như thế là dấu hiệu mà cơ quan chức năng cần làm rõ có hay không dấu hiệu bức cung đối với bị can”.

Vụ án xăng giả do một số nhóm tội phạm gây ra gần đây bị cơ quan chức năng đưa ra xử lý, là những chiến công được dư luận khắp nơi hoan nghênh, trong đó điển hình là nhóm xăng giả của Trịnh Sướng. Nhưng ít ai biết, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh bán hoá chất cũng bị kéo theo vào vòng lao lý một cách bất ngờ.

Từ vụ bắt quả tang một cây xăng đang pha dung môi vào xăng chính hãng để tăng thể tích xăng nhằm giảm giá thành đầu vào do dung môi giá chỉ khoảng 10.000 đồng mỗi lít, một hình thức của xăng giả, cơ quan Công an tỉnh Đắk Nông đã lần hết các đầu mối bán dung môi. Rất nhiều doanh nghiệp bị mời, bị xác minh đồng phạm. Công ty Phạm Sơn là một trong các doanh nghiệp bị truy vấn khá nhiều bởi là đơn vị bán nhiều dung môi và có gần 300 hợp đồng bán hàng trong thời gian cơ quan công an cần xác minh (từ đầu năm 2017 đến giữa năm 2019).

Cho rằng, chị Nguyễn Thị Thu Hoà điều hành Công ty Phạm Sơn nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt giữ chị Hoà vào ngày 31/5/2019. Việc bắt giữ, theo chị Hòa là cơ quan công an chỉ dựa vào lời khai diễn giải các bản hợp đồng bán hoá chất dung môi của Công ty Phạm Sơn. Đó là các hợp đồng bán cho DNTN Thương mại Tâm Đức Đắk Nông 940.000 lít dung môi, DNTN Hoàng Minh Việt 20.021.500 lit dung môi và bán cho ông Nguyễn Ngọc Quan hơn 1.300.000 lít dung môi.

“Ngoài các lời khai diễn giải của tôi, phía cơ quan công an không có chứng cứ vật chất nào. Tức không có chứng cứ ghi nhận sự bàn bạc với người làm xăng giả. Công an tỉnh Đắk Nông đưa vào hồ sơ một đoạn chát nói về việc làm tăng áp lực cháy (RON) của dung môi trong đốt cháy công nghiệp giữa tôi với một người khác không phải người mua dung môi để cáo buộc cho rằng là “chứng cứ vật chất” ngoài lời khai. Đây rõ ràng là sự áp đặt một cách khiên cưỡng đối với tôi”, chị Hòa nói.

Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sự TPHCM) cho rằng, việc đưa chứng cứ điện tử vào cáo buộc phải thật chính xác rõ ràng. Đối với nội dung chát qua lại phải thật rõ nội dung bàn bạc và phải bàn bạc giữa người bán và người mua thì mới có giá trị chứng minh. Không thể suy diễn một cách đi ngược lại nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự. Cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được suy đoán bác bỏ chứng cứ khi chứng cứ không rõ ràng chứ không thể làm ngược lại suy đoán người ta có tội trong trường hợp không rõ. Chứng cứ bàn bạc qua internet phải thật cụ thể nội dung bàn bạc và đối tượng bàn bạc, chú không phải cứ suy diễn áp đặt đối với bị can bị cáo.

Tại Điều 6 của các hợp đồng mua bán: “Bên mua không được thực hiện dung môi hoá chất công nghiệp trong hợp đồng này để pha chế xăng dầu…”

Trong khi đó, tất cả các hợp đồng Công ty Phạm Sơn ký bán dung môi và  các loại hoá chất khác đều có điều khoản ghi cụ thể tại Điều 6 như: “Bên mua không được thực hiện dung môi hoá chất công nghiệp trong hợp đồng này để pha chế xăng dầu, mọi vấn đề liên quan đến pha chế xăng dầu, và làm trái quy định về pháp luật, về việc sai mục đích đối với sản phẩm dung môi nêu trong phiếu an toàn hoá chất được đính kèm theo hợp đồng thì bên B phải chịu hoàn toàn trước pháp luật. Đây là chứng cứ vật chất không thể chối cãi cho thấy ý chí phía Công ty Phạm Sơn không bán hoá chất để bên mua sử dụng vào mục đích phi pháp, cũng như không thể can thiệp được phía mua sử dụng nên chỉ có thể ràng buộc bằng phần mục đích sử dụng như trên vào hợp đồng.

Ngoài ra, phía bên mua của Công ty Phạm Sơn bán lại cho bên thứ ba và bên thứ ba mới sử dụng vào mục đích làm xăng giả, thì không thể có sự giúp sức làm xăng giả như cáo buộc của Công an tỉnh Đắk Nông. Với suy diễn lạ lùng này về yếu tố giúp sức làm hàng giả, hàng ngàn doanh nghiệp kinh doanh hoá chất sẽ bị khởi tố.

Điều 13. Suy đoán vô tội

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Điều 98. Lời khai của bị can, bị cáo

1. Bị can, bị cáo trình bày những tình tiết của vụ án.

2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.

Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.

[Bộ luật tố tụng hình sự 2015]

    (0) Bình luận
    Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Kinh doanh hoá chất bị trở thành đồng phạm pha chế hàng giả (Kỳ 2): Bị can gửi đơn tố cáo bị bức cung
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO