Tin kinh tế

Kim ngạch thương mại Việt Nam với Hoa Kỳ đạt gần 62,3 tỷ USD

Trang Nguyễn (t/h) 09/09/2023 - 17:34

Kim ngạch thương mại với Hoa Kỳ đạt gần 62,3 tỷ USD tính đến hết tháng 8 năm 2023, giảm gần 18% do khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhưng vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Sau gần 30 năm bình thường hóa quan hệ thương mại, Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới.

Năm 2022, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên đưa kim ngạch song phương Việt Nam- Hoa Kỳ đạt mức 124 tỷ USD và là thị trường đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Con số này đã tăng khoảng 3,5 lần cách đây 10 năm - thời điểm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện.

Năm 2023, dù vẫn chịu tác động do khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhưng nhiều dự báo có thể khẳng định hai nước vẫn có thể vượt mốc 100 tỷ USD về kim ngạch thương mại. Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden được kỳ vọng hướng tới nâng tầm quan hệ hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại - đầu tư...

sxhk.jpeg
Năm 2022, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên đưa kim ngạch song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đạt mức 124 tỷ USD. Ảnh minh họa

Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, hoan nghênh Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng. Từ năm 1994, khi Hoa Kỳ chính thức gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, một trang mới về hợp tác kinh tế, thương mại trong tổng thể quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được bắt đầu.

Hiện tại, Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD và Việt Nam xuất siêu lớn. Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ đã tăng hơn 140 lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên hơn 130 tỷ vào năm 2022.

Theo số liệu của Cục thống kê Mỹ (US Census), Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết: Năm 2022, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 25,2%, chiếm xấp xỉ 3,9% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Ở chiều ngược lại, năm 2022 nhập khẩu từ Hoa Kỳ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thặng dư thương mại của Việt Nam-Hoa Kỳ đạt hơn 116 tỷ USD và xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ (sau Trung Quốc với 382,9 tỷ USD và Mexico với 130,6 tỷ USD).

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ có tốc độ tăng tích cực gồm máy và thiết bị điện tử, thu âm, thu hình; giày dép; sản phẩm da, túi, ví, ô dù; nhựa và sản phẩm nhựa; đồ chơi, game và dụng cụ thể thao. Cùng đó, các mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ có tốc độ tăng trưởng mạnh là máy bay, thiết bị, phụ tùng; hóa chất; 176,8%); nhựa và sản phẩm nhựa.

Những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện.

Đồng thời, sau dịch COVID-19 cũng như những bất ổn địa chính trị- kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững. Hơn nữa, Việt Nam còn được lựa chọn là một trong địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cơ hội lớn nhưng để nắm bắt đòi hỏi nỗ lực lớn từ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.

Xuất khẩu trái cây tươi Việt vào Hoa Kỳ từ 15 năm trước, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết: Hiện tại, thị trường Hoa Kỳ chiếm 60% thị phần của doanh nghiệp. Đây là thị trường khó tính với nhiều hàng rào kỹ thuật khắt khe, nhưng vài năm trở lại đây nông sản Việt ngày càng được ưa chuộng, tăng trưởng đều mỗi năm. Tại Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, xuất khẩu nông sản sang Hoa Kỳ tăng 40% trong 6 tháng năm 2023.

Đặc biệt, giữa tháng 8, Hoa Kỳ đã cấp phép trở lại cho trái dừa tươi của Việt Nam trở lại thị trường sau 1,5 năm tạm ngưng. Lượng container dừa sang Hoa Kỳ tăng ở mức hai con số trong nửa tháng qua. Ngoài ra, nếu chanh dây của Việt Nam được xuất chính ngạch vào Hoa Kỳ cuối năm nay, kim ngạch xuất nông sản sang thị trường này sẽ tăng vọt và với Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T có thể tăng trưởng tới 60%.

Với bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, nhất là giá cả. Cùng đó, chất lượng và yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn "sản xuất xanh", chuỗi cung ứng "sạch và bền vững". Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó. Vì vậy, doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các "tiêu chuẩn sản xuất xanh". Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tích cực tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ.

Để phát triển thị trường, ngoài việc hợp tác với các nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn, doanh nghiệp cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng và tích cực tìm kiếm các thị trường ngách, để giảm thiểu rủi ro. Đáng lưu ý, ngoài việc hợp tác với nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn, doanh nghiệp cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng và tích cực tìm kiếm thị trường ngách giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kim ngạch thương mại Việt Nam với Hoa Kỳ đạt gần 62,3 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO