Bảo vệ người tiêu dùng

Kiểm soát an toàn thực phẩm từng bó rau, lạng thịt tại chợ dân sinh

Trang Nguyễn 23/12/2023 - 12:14

Kế hoạch của UBND TP Hà Nội, trong năm 2024, để có thể kiểm soát được chất lượng VSATTP tại các chợ dân sinh, thành phố sẽ có phương án triển khai đề án quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ dân sinh trên toàn địa bàn thành phố.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội vừa có Kế hoạch triển khai các trạm xét nghiệm nhanh thực phẩm tại các chợ dân sinh được xây dựng hoàn thiện và đưa vào hoạt động, từng mặt hàng thực phẩm sẽ được test nhanh tại chỗ ATTP.

Theo đó, từ tháng 1 – 31/12/2024, Hà Nội tập trung đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, bố trí khu vực sản xuất kinh doanh tại các chợ đáp ứng về các yêu cầu, quy định về an toàn thực phẩm.

cho-dan-sinh.jpg

Sau đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh giao thương, kết nối thực phẩm sạch, an toàn.

Để làm được điều này, Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2024, một nhà trạm xét nghiệm nhanh thực phẩm phải được xây dựng, lắp đặt, vận hành tại một chợ dân sinh trên địa bàn một quận, huyện.

Các nhà trạm này sẽ chịu trách nhiệm test nhanh các mặt hàng thực phẩm tại chợ dân sinh nhằm kiểm soát về an toàn thực phẩm.

Hà Nội đặt mục tiêu 100% các chợ phải được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm. Tỷ lệ thực phẩm được giám sát, lấy mẫu tại các chợ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm phải giảm 70% so với thời điểm chưa kiểm soát ATTP.

Do đó, mô hình nhà trạm kiểm soát nhanh và tại chỗ về an toàn thực phẩm sẽ được xây dựng trong năm 2024 và sẽ được đánh giá, nhân rộng trên toàn địa bàn các quận huyện trên thành phố.

UBND TP Hà Nội cho biết, cũng trong năm 2024, Hà Nội đặt ra chỉ tiêu cụ thể đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong các chợ dân sinh.

Đối với chợ hạng 1 (bao gồm chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản): 100% cơ sở đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và được cấp biển nhận diện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Cụ thể, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh cố định được cấp Giấy đăng ký kinh doanh; Giấy xác nhận đủ sức khỏe và xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP theo quy định; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc ký cam kết bảo đảm ATTP.

Ngoài ra, 100% cơ sở có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu về ATTP và phù hợp với loại hình, mặt hàng sản xuất, kinh doanh; 100% cơ sở mở hệ thống sổ sách, ghi chép,…để thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm.

Đối với chợ hạng 2, hạng 3 và chưa phân hạng: 80% cơ sở đáp ứng yêu cầu tại Đề án và được cấp biển nhận diện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, 10 tháng đầu năm 2023, qua công tác thanh tra, kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện 10.240 cơ sở vi phạm, trong đó có 6.578 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt hơn 14 tỷ đồng. Việc vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm từ các tỉnh khác vào Hà Nội mặc dù có giảm nhưng vẫn diễn ra.
“Tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng còn diễn ra. Vẫn còn tồn tại các điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng, không bảo đảm ATTP”, ông Vũ Cao Cương cho hay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát an toàn thực phẩm từng bó rau, lạng thịt tại chợ dân sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO