Ngày 18/11, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức chương trình giao lưu và khai mạc chuyên đề “Những đoá hồng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM".
Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm 1 năm TPHCM bước vào giai đoạn “bình thường mới” nhằm tri ân, khẳng định sức mạnh nội lực của những người phụ nữ chân yếu tay mềm trong việc chung tay cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh.
Tại chương trình, các đại biểu được lắng nghe Hoa hậu H’Hen Niê, nghệ sĩ Việt Hương, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ về những dấu ấn, kỷ niệm trong mùa dịch Covid-19.
Sau đó, các đại biểu đã tham quan Phòng trưng bày chuyên đề “Những đoá hồng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM”. Phòng trưng bày mở cửa đón khách từ ngày 18/11/2022 đến hết ngày 30/6/2023. Các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng gồm: Đồ bảo hộ chống dịch (khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, găng tay y tế…), cây ATM gạo... cùng nhiều hình ảnh tái hiện lại ngày tháng kiên cường chống dịch của những đoá hồng nơi tuyến đầu.
Mỗi hiện vật tưởng chừng như đơn giản nhưng lại ẩn chứa những câu chuyện cảm động về tình người, về những ký ức của một hành trình chông gai, đau thương, nhiều hy sinh, mất mát nhưng đầy tự hào của người dân TPHCM.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vào cuối tháng 4/2021 với sự lây lan mạnh mẽ, phức tạp khiến cho TPHCM và nhiều địa phương khu vực phía Nam gặp vô vàn khó khăn, số ca nhiễm mới và tử vong tăng lên nhanh chóng mỗi ngày.
Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của thành phố khi các lĩnh vực đều ngưng trệ, hệ thống y tế địa phương vốn đã quá tải, nay lại quá sức đối với đội ngũ cán bộ y tế và cả hệ thống chính trị. Tiếng còi xe cứu thương ngược xuôi gây nhói lòng người.
TPHCM trở thành tâm dịch và là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, có những ngày đường phố không bóng người qua lại, các chốt, trạm kiểm soát dịch được lập lên ở khắp các ngõ hẻm, tuyến đường, các khu vực cửa ngõ vào thành phố…
Trước thực tế ấy, Đảng và nhà nước đã chỉ đạo các tỉnh, thành nhanh chóng chi viện lương thực thực phẩm, trang thiết bị y tế, đặc biệt là nhân lực cho TPHCM và các tỉnh, thành đang là tâm dịch.
Từ tấm lòng bao dung, nghĩa tình vốn có của người dân Thành phố Sài Gòn xưa, nay là TPHCM và các mạnh thường quân đã kết nối, dang tay ôm ấp, vỗ về bệnh nhân, xoa dịu nỗi đau của thân nhân và nối vòng tay giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ trong và sau đại dịch.
Phải kể đến sự góp sức của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng và lực lượng tình nguyện viên sẵn sàng đi vào tâm dịch, nơi tuyến đầu với quyết tâm khống chế, đầy lùi dịch bệnh Covid-19.
Hay lực lượng phụ nữ trên mọi lĩnh vực, ngành nghề, không phân biệt tôn giáo, đoàn thể đã không chần chừ, mau chóng xung phong lao vào trận chiến với kẻ thù vô hình với mong muốn được chung tay, góp sức, hỗ trợ cho TPHCM sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.
Đó còn là dân công sở, văn nghệ sĩ, những nàng Hậu đến các chị doanh nghiệp, lao động tự do, những bà nội trợ đơn thuần, mỗi người một việc, tùy theo sức và điều kiện cùng tham gia chống dịch.
Các Sư cô, các Sơ vượt qua các “lễ nghi" tôn giáo chăm sóc cho nam bệnh nhân nặng tại các Trung tâm Hồi sức Cấp cứu. Nhiều bạn nữ thanh trong tâm dịch trở thành những “bà mẹ bất đắc dĩ" san sẻ yêu thương, đầy trách nhiệm với các bé sơ sinh, các bé nhỏ tại khu cách ly…
Đã có hàng chục triệu suất ăn, những phần cơm, cháo nóng hổi, những chai nước cam mật ong... Hàng loạt cây ATM gạo, ATM lương thực, ATM oxy hình thành rải rác trong khu dân cư.... được quyên góp, gửi về cho thành phố.
Những kiều bào ở nước ngoài - những người con xa nhà chung tay cùng các đoàn thể thành phố, bạn bè, người thân hỗ trợ trang thiết bị y tế, thuốc men, các túi quà mang nặng nghĩa tình đồng bảo, đau đầu nhỏ, thương về quê hương.
Tất cả sự đóng góp, hy sinh không một chút đắn đo của những người phụ nữ tuyến đầu một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với 8 chữ vàng – 4 phẩm chất của phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới: “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang".