TAND tỉnh Sóc Trăng: Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bước đầu đạt kết quả tích cực

Quang Trung| 01/04/2022 16:21

TAND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị sơ kết công tác tổ chức thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Hội nghị đánh giá những thuận lợi, khó khăn, đồng thời kiến nghị giải pháp để thực hiện tốt hơn Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong thời gian tới.

img2381-w500-h333.JPG

TAND tỉnh Sóc Trăng sơ kết công tác tổ chức thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Hòa giải, đối thoại giúp giảm áp lực công tác xét xử

Ngay khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (LHGĐTTTA) có hiệu lực thi hành, TAND tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo thi hành LHGĐTTTA, với thành phần gồm 01 Phó Chánh án TAND tỉnh, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng, cùng với tất cả Chánh án TAND cấp huyện trực thuộc, ban hành nhiều văn bản để triển khai thi hành Luật; chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí để triển khai thi hành theo kế hoạch của TANDTC và chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện công tác tham mưu, thống kê, tổng hợp; kiểm tra các đơn vị thực hiện theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

TAND tỉnh đã triển khai thực hiện LHGĐTTTA dưới nhiều hình thức khác nhau như: Ban hành kế hoạch tuyên truyền; tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật; tuyên truyền thông qua các đợt tập huấn Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký; tổ chức Lễ công bố quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên có mời cơ quan đài, báo của tỉnh dự và đưa tin; đăng tải thông báo tuyển chọn Hòa giải viên, bài viết tuyên truyền, phổ biến Luật trên trang thông tin điện tử của Tòa án; phối hợp với báo Sóc Trăng, Đài phát thanh, Đài truyền hình của tỉnh, Đài phát thanh của huyện tuyên truyền, phổ biến Luật đến các tầng lớp nhân dân.

Qua công tác phổ biến, tuyên truyền LHGĐTTTA và văn bản quy định chi tiết thi hành đã làm chuyển biến tích cực nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án, từng bước đưa Luật vào cuộc sống.

Sau một năm triển khai thực hiện, TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những kết quả bước đầu rất tích cực, cụ thể như sau: Tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành trên tổng số vụ việc đã chuyển sang hòa giải đối thoại tại Tòa án: 336/598, đạt tỉ lệ là 56,2%; Tỷ lệ phần trăm của vụ việc đã hòa giải thành, đối thoại thành trên tổng số đơn khởi kiện vụ án dân sự, hành chính; đơn yêu cầu về hôn nhân và gia đình mà Tòa án nhận được: 336/6.553 đạt tỉ lệ là 5,13%; Tỷ lệ phần trăm của vụ việc đã hòa giải thành, đối thoại thành theo Luật HGĐTTTA trên số vụ việc đã hòa giải thành, đối thoại thành trong tố tụng:  336/2250 đạt tỉ lệ là 14%; Tỷ lệ phần trăm của vụ việc đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành: 290/354 đạt tỉ lệ là 81,9%; Số lượng vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành nhưng chưa ra quyết định công nhận: 32 vụ.     

Một số đơn vị Tòa án cấp huyện có số lượng vụ việc chuyển qua hòa giải đối thoại với số lượng tương đối nhiều như: TAND huyện Long Phú là 57/496 vụ, chiếm tỉ lệ là 11,5%, TAND huyện Thạnh Trị là 45/431 vụ, chiếm tỉ lệ là 10,4%, TAND huyện Mỹ Xuyên, 59/707 vụ, chiếm tỉ lệ là 8,35%. Trung bình cứ 10 đơn khởi kiện đủ điều kiện thụ lý thì có gần 1 vụ được chuyển sang thủ tục hòa giải đối thoại.

Đối với những trường hợp chuyển sang hòa giải đối thoại và có kết quả hòa giải đối thoại thành cao: TAND huyện Cù Lao Dung với 21/21 vụ, tỉ lệ là 100%, TAND huyện Long Phú có 57/58 vụ hòa giải thành, chiếm tỉ lệ là 98,3%, tiếp đến là TAND huyện Thạnh Trị với tỉ lệ 45/77 vụ hòa giải thành, tỉ lệ là 77,6%.

Các vụ việc được hòa giải thành chủ yếu là loại việc về hôn nhân và gia đình; các tranh chấp về dân sự, khiếu kiện hành chính có tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành không cao, nguyên nhân là nhiều vụ việc tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đã trải qua nhiều cấp, nhiều lần hòa giải, đối thoại từ cấp cơ sở đến cấp huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh và khiếu nại đến cấp tỉnh không thành mới khởi kiện đến Tòa án, do đó rất khó khăn cho việc hòa giải, đối thoại thành.

img2381-w500-h333.JPG

Các đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết

Những khó khăn, vướng mắc

Việc triển khai thi hành LHGĐTTTA thời gian qua của TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Mặc dù đã tuyên truyền LHGĐTTTA đến người dân nhưng một số địa phương, đơn vị vì trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên việc tìm người đủ tiêu chuẩn theo quy định tương đối khó. Những người có kinh nghiệm, có thâm niên công tác hoặc đã về hưu, đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên… khi được vận động tham gia thì thường từ chối. Công tác tuyển chọn còn gặp khó khăn trong lựa chọn người trẻ tuổi có năng lực; đối với người lớn tuổi có kinh nghiệm, có chuyên môn thì thường có hạn chế về kỹ năng công nghệ thông tin, việc tự ghi chép, đánh máy…. Do đó, khi không có Thư ký giúp việc thì nhiều lớn tuổi thường e ngại trong việc làm Hòa giải viên.

Đối với việc hướng dẫn áp dụng thống nhất, chưa có quy định thống nhất về quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thời gian đầu thiếu một số biểu mẫu dùng cho hòa giải, đối thoại, như biểu mẫu quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và chưa có chế độ về việc được sử dụng lao động hợp đồng trong hoạt động hỗ trợ Hòa giải viên, trong khi hiện tại hầu hết các Tòa án đang phải phân công bổ sung nhiệm vụ liên quan đến hoạt động hòa giải, đối thoại.

Hiện nay, đa số các đơn vị chỉ bố trí được một phòng vừa là phòng hòa giải, đối thoại, vừa là phòng làm việc của Hòa giải viên. Phòng hòa giải, đối thoại hầu hết được trưng dụng từ phòng họp, phòng tiếp dân, phòng xét xử; diện tích phòng hòa giải, đối thoại nhỏ, không đúng tiêu chuẩn theo quy định, trang thiết bị như máy tính, máy in, máy phô tô, bàn ghế, tủ đựng tài liệu đều thiếu hoặc được tận dụng từ những trang thiết bị sẵn có của đơn vị. Đồng thời, chưa có hướng dẫn cụ thể về kinh phí đảm bảo cho việc lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho phòng hòa giải, đối thoại và phòng làm việc của Hòa giải viên.

Hòa giải viên đa số đều lớn tuổi nên các công việc hỗ trợ liên quan đến hòa giải, đối thoại tại Tòa án chủ yếu vẫn do cán bộ Tòa án đảm nhiệm. Cán bộ Tòa án phải kiêm nhiệm tất cả các công việc từ thụ lý, thông báo, đến quá trình tổ chức hòa giải, đối thoại, ngoài ra còn phải vào các loại sổ sách, thống kê, báo cáo, soạn thảo các văn bản… trong điều kiện thiếu Thư ký và một Thư ký phải giúp việc cho nhiều Thẩm phán. Vì vậy, việc không tuyển dụng lao động giúp việc phục vụ cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã gây khó khăn và ảnh hưởng đến hoạt động chung của Tòa án.

Mặc khác, các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của Luật. Cụ thể, thời hạn thực hiện các thủ tục ban đầu của việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án ngắn nên không đảm bảo được thời gian thông báo cho người bị kiện, dẫn đến người khởi kiện không đồng ý tiến hành hòa giải, đối thoại. Thời hạn hòa giải đối thoại ngắn, chưa đảm bảo đối với vụ việc phức tạp trong các trường hợp như: cần chờ ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn trong một số lĩnh vực đang tranh chấp; cần thời gian để xác minh địa chỉ liên lạc và thông tin của các bên

TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng kiến nghị TANDTC cấp kinh phí để bố trí, sắp xếp phòng Hoà giải, đối thoại, phòng làm việc của Hòa giải viên đúng tiêu chuẩn, quy định; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tổ chức tập huấn LHGĐTTTA cho các cán bộ, công chức Tòa án, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng, phương pháp hòa giải, đối thoại từng loại vụ án cho các Hòa giải viên nhất là đối với các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai.

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng mẫu sổ nghiệp vụ và biểu mẫu thống kê về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; hướng dẫn cách sắp xếp, quản lý, lưu trữ hồ sơ sau khi tiến hành thủ tục hòa giải, đối thoại theo LHGĐTTTA. Mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cấp Chứng chỉ cho các trường hợp đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên nhưng còn thiếu chứng chỉ làm cơ sở để TAND cấp tỉnh bổ nhiệm Hòa giải viên cho đơn vị còn thiếu. Sớm ban hành quy định việc tính chỉ tiêu hòa giải thành, đối thoại thành theo LHGĐTTTA vào chỉ tiêu giải quyết, xét xử cho Thẩm phán và chỉ tiêu công tác của Tòa án. Quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và chế độ đối với cán bộ Tòa án hỗ trợ Hòa giải viên. Sắp xếp, bố trí biên chế Thư ký hoặc tuyển dụng lao động giúp việc theo chế độ hợp đồng lao động phục vụ công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Xây dựng các tiêu chí thi đua giữa các Hòa giải viên, giữa các Thẩm phán hỗ trợ Hòa giải viên với nhau nhằm đẩy mạnh công tác giải quyết án và nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giữa Thẩm phán với Hòa giải viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND tỉnh Sóc Trăng: Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bước đầu đạt kết quả tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO