Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Năm 2021, TAND hai cấp tỉnh Trà Vinh đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhất là đại dịch Covid – 19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của đơn vị. Tuy nhiên, với quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của lãnh đạo, thẩm phán và CBCC, đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chánh án TAND tỉnh Trà Vinh Trịnh Minh Tự
Đầu năm 2021, Ban cán sự đảng, Ban lãnh đạo TAND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 01-KH/BCSĐ thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết của Ban cán sự đảng TANDTC nhằm quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội, Tỉnh ủy và TANDTC đã đề ra. Xây dựng Kế hoạch phát động phong trào thi đua “Vì Công lý” trong TAND hai cấp với mục tiêu là xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án liêm chính, công tâm, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sạch về đạo đức, tinh thông về pháp luật; nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án, không để oan sai. Đồng thời, Ban cán sự đảng, Ban lãnh đạo TAND tỉnh đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, uốn nắn trong công tác chuyên môn nghiệp vụ.
TAND hai cấp tỉnh đề ra và tổ chức thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đột phá, hiệu quả, sát với thực tế nên trong năm 2021 mặc dù yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề và trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19, phức tạp, khó lường nhưng hoạt động của Tòa án tiếp tục được triển khai có hiệu quả; tỷ lệ giải quyết đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu; chất lượng xét xử được đảm bảo và có nhiều tiến bộ. Công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của TANDTC có những chuyển biến rõ nét; công tác thi hành án hình sự; công tác tổ chức, cán bộ và các nhiệm vụ cải cách tư pháp được thực hiện hiệu quả và có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong năm thi đua TAND 02 cấp tỉnh Trà Vinh đã thụ lý 12.431 vụ án các loại, đã giải quyết, xét xử 10.910 vụ, đạt tỷ lệ 87,76%. Bình quân mỗi Thẩm phán giải quyết 9,87 vụ/tháng. Án còn lại là 1.521 vụ, chủ yếu là án mới thụ lý và một số vụ án đang vướng mắc, khó khăn về thu thập chứng cứ, chờ cung cấp thông tin của cơ quan quản lý nhà nước, chờ kết quả ủy thác tư pháp từ nước ngoài. So với cùng kỳ năm 2020 án thụ lý tăng 1.891 vụ, giải quyết tăng 1.237 vụ.
Tập thể CBCC TAND tỉnh Trà Vinh
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, TAND hai cấp tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế, số lượng án phải thụ lý, giải quyết ngày càng tăng nhưng biên chế không tăng mà còn phải giảm theo lộ trình quy định nên phải phân công Thẩm phán phụ trách giải quyết án nhiều hơn. Một số vụ án liên quan đến đất đai phải mất nhiều thời gian phối hợp với cơ quan, địa phương, nhất là thu thập chứng cứ, khảo sát, đo đạc, định giá, chờ kết quả giám định (38 vụ), chờ cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước quản lý về đất đai (112 vụ), do đó có các vụ án bị kéo dài chưa được giải quyết. Chất lượng giải quyết các loại án cao hơn năm trước nhưng vẫn còn án hủy, sửa do lỗi của thẩm phán, án bị hủy 20,5 vụ (chiếm tỷ lệ 0,19%); án sửa 07 vụ (chiếm tỷ lệ 0,06%) so cùng kỳ năm 2020 án bị hủy giảm 20 vụ, án sửa giảm 11,5 vụ.
Trong thời gian tới, TAND hai cấp tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của Quốc hội, của TANDTC về công tác giải quyết, xét xử các loại vụ, việc; phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án có dư luận quan tâm. Tăng cường công tác kiểm tra việc xét xử của Tòa án cấp huyện (kể cả cấp tỉnh) để kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm những sai sót chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ, việc. Xác định cải cách tư pháp là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và công tác phòng, chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo. Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm.
Thẩm phán cao cấp Trịnh Minh Tự, Chánh án TAND tỉnh Trà Vinh chia sẻ, ngay từ đầu năm Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết. TAND tỉnh ban hành văn bản “Uốn nắn công tác giải quyết án”, đề nghị lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo Thẩm phán rà soát ngay số án đã hết thời hạn xét xử nhưng chưa giải quyết xong, phải ban hành văn bản thông báo kết quả tiến hành tố tụng vụ án đó, nêu rõ lý do vụ án chưa đưa ra giải quyết và báo cho đương sự biết khoảng thời gian giải quyết sắp tới để đương sự hiểu, có sự hợp tác tốt trong quá trình tố tụng. Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản cho Chánh án tỉnh.
Bên cạnh đó, TAND hai cấp tỉnh Trà Vinh thành lập Ban chỉ đạo giải quyết án khó khăn, phức tạp do Chánh án TAND tỉnh làm Trưởng ban, thành viên Ban chỉ đạo là các Phó Chánh án tỉnh, Chánh án TAND các huyện. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là nắm chắc các loại vụ án mà đơn vị đang thụ lý, đã quá thời hạn xét xử nhưng chưa giải quyết, xét xử; án hủy nhiều lần mà chưa đưa ra giải quyết hoặc đang trong quá trình giải quyết gặp khó khăn, vướng mắc; án tạm đình chỉ. Các thành viên Ban chỉ đạo yêu cầu các thẩm phán có vụ án để lâu chưa giải quyết báo cáo cụ thể từng vụ án và đề ra hướng giải quyết. Đồng thời, nhận xét, đánh giá vai trò lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu và thẩm phán trực tiếp giải quyết án kéo dài gắn với việc xem xét đánh giá thành tích thi đua và đánh giá chất lượng CBCC hằng năm. Hằng tháng vào ngày 04, các thành viên Ban chỉ đạo báo cáo trực tiếp số liệu kết quả giải quyết án thuộc diện TAND tỉnh theo dõi về Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án để tổng họp báo cáo trước các kỳ họp giao ban hàng tháng.
Ban cán sự Đảng TAND tỉnh ban hành nhiều văn bản về việc đẩy mạnh công tác tiếp công dân; giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân. Tăng cường thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp dân. Ban cán sự Đảng TAND tỉnh xác định đây là những nhiệm vụ cấp bách cần phải làm ngay.
Ngoài ra, TAND tỉnh đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Thực trạng, nguyên nhân hủy án, sửa án và giải pháp khắc phục” với sự tham gia của lãnh đạo tất cả các đơn vị, thẩm phán trực tiếp thực hiện công tác xét xử của TAND hai cấp trong tỉnh. Hội thảo tạo cơ hội cho các thẩm phán trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Từ đó, rút ra nhiều bài học thực tiễn dẫn đến án bị hủy, bị sửa, mỗi thẩm phán tự mình có biện pháp khắc phục các hạn chế, thiếu sót và phòng tránh những sai sót có thể sẽ gặp phải trong quá trình giải quyết án.
Năm 2021, TAND hai cấp tỉnh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của mình, góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian tới, TAND hai cấp tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các mặt công tác của Tòa án, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp nói chung và yêu cầu của các Nghị quyết của Quốc hội, của TANDTC.