Không nên bổ sung thêm tội danh vào BLHS 2015 sửa đổi

Mai Thoa| 03/07/2017 12:10

Cần bổ sung thêm một số tội danh mới cũng như xác định lại phạm vi sửa đổi trong BLHS 2015 hay không, là những vấn đề được đưa ra thảo luận tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật này do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức mới đây.

Có nên bổ sung tội Kinh doanh trái phép?

Cơ bản đồng tình với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự năm 2015, một số ý kiến cho rằng cần làm rõ để xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung nội dung mới, liên quan đến chính sách hình sự mà chưa được Quốc hội Khóa XIII xem xét thông qua và chính sách hình sự chưa được thực thi trong cuộc sống.

Qua hai lần pháp điển cho thấy, các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (TTQLKT) trong BLHS Việt Nam được xây dựng, bổ sung và hoàn thiện dựa trên sự thay đổi về thể chế kinh tế. Thể hiện rõ nhất là BLHS 2015 đã loại bỏ những tội của BLHS 1985, khi nó không phù hợp với thể chế kinh tế mới ví dụ Tội lạm sát gia súc, Tội chiếm đoạt tem phiếu…

Một số ý kiến cho rằng, thể chế kinh tế nói chung hay trật tự quản lý kinh tế nói riêng luôn biến động cũng với sự linh động của thị trường. Chính vì vậy, việc sửa đổi các tội phạm thuộc Chương 16 với nội dung trên của BLHS 2015 chỉ nên chọn những quan hệ có tính ổn định cao để điều chỉnh. Và tội danh này thuộc tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế gây thiệt hại thường là về kinh tế do đó nên tăng hình phạt tiền cao hơn so với hiện nay, giảm hình phạt tù.

Một trong những tội về TTQLKT là tội Kinh doanh trái  phép. Trong BLHS 1999 tội danh này được quy định tại Điều 159 BLHS. Tuy nhiên, trong dự thảo BLHS 2015 không có tội Kinh doanh trái phép nữa. Lý do đưa ra là: Luật doanh nghiệp năm 2013 đã có những quy định rất thông thoáng trong việc thành lập và hoạt  động của doanh nghiệp trên tinh thần tự do kinh doanh, được làm những gì luật không cấm. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Luật Doanh nghiệp đã cho thấy việc đăng ký kinh doanh vẫn là cần thiết.

Vì vậy, các ý kiến cho rằng không nên loại bỏ tội Kinh doanh trái phép ra khỏi BLHS 2015. Bởi lẽ, ở bất cứ đâu, Nhà nước đều phải quản lý hoạt động của doanh nghiệp bằng hoạt động đăng ký kinh doanh. Từ đó, Nhà nước mới quản lý được việc sử dụng lao động, ngành nghề kinh doanh và đặc biệt là hoạt động thu thuế. Không đăng ký kinh doanh thì Nhà nước không kiểm soát được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đương nhiên không đăng ký kinh doanh sẽ xâm phạm trật tự quản lý. Bên cạnh đó, một doanh nghiệp tự ý hoạt động không đăng ký kinh doanh chắc chắn sẽ trốn thuế. Trong trốn thuế bị coi là tội phạm còn không đăng ký kinh doanh đồng thời với trốn thuế lại bị xử lý hình sự là điều bất hợp lý.

Bên cạnh đó, rà soát Dự thảo, thấy dấu hiệu: không có đăng ký kinh doanh vẫn tồn tại như là tình tiết tăng nặng của một số tội  như  tội Vi phạm quy định trong hoạt động ngân hàng, tội Kinh doanh đa cấp trái phép, tội Cung cấp dịch vụ trai phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông...Chính vì vậy, việc quy định tội Kinh doanh trái phép trong BLHS 2015 là cần thiết. Nhưng cần lựa chọn những lĩnh vực kinh doanh đặc thù như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ pháp lý, đòi nợ thuê... để quy định.

Một số ý kiến khác cũng đề nghị xử lý hình sự đối với tội kinh doanh đa cấp trái phép, vì thời gian qua đây là những ngành nghề kinh doanh gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng không nên thêm tội mới vào BLHS 2015 (sửa đổi) lần này vì thời gian qua, việc kinh doanh đa cấp trái phép đã xảy ra gây thiệt hại cho rất nhiều người nhưng những kinh doanh trái phép này đều có thể xử lý bằng hình sự như tội lừa đảo.

Ông phân tích muốn đưa một tội mới vào Bộ luật đòi hỏi phải tổng kết thực tiễn, phải đánh giá tác động của chính sách hình sự này theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Kinh doanh đa cấp là một hình thức kinh doanh mới ở Việt Nam, cũng giống như các hình thức kinh doanh khác trong nền kinh tế thị trường, đều có thể có hình thành kinh doanh trái phép. Vì vậy, chỉ hình sự hóa hành vi kinh doanh đa cấp trái phép là chưa hợp lý.

Hình minh họa

Không nhất thiết xử lý hình sự hành vi cho vay nặng lãi

Bộ luật hình sự hiện hành quy định hành vi của tội cho vay nặng lãi: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Tuy nhiên, khi áp dụng tội này trên thực tế thì thấy có những khái niệm rất mơ hồ, ví dụ “có tính chất chuyên bóc lột”

Điều 201 Dự thảo quy định:  Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất do Bộ luật dân sự quy định từ 05 lần trở lên, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng. Như vậy, so với Điều 163 thì điều 205 dự thảo BLHS đã sửa đổi theo hướng nghiêm khắc hơn đối với tội cho vay nặng lãi. Đó là loại bỏ các dấu hiệu có tính chuyên bóc lột đồng thời quy định mức lãi suất gấp 5 lần lãi suất Bộ luật dân sự.

 TS. Đinh Thế Hưng, Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, mục đích của nhà làm luật quy định Tội cho vay nặng lãi trong BLHS nhằm trừng trị hành vi cho vay nặng lãi kiểu “tín dụng đen”. Tuy nhiên, cần hiểu cụ thể hơn về “tín dụng đen” như là một hiện tượng xã hội tồn tại trong bất cứ xã hội nào đồng thời ở góc độ nào đó nó cũng đáp ứng nhu cầu cấp bách về vốn của người dân.

Mặt khác, đối với hành vi cho nặng lãi hoàn toàn có thể triệt tiêu bằng giải pháp phi hình sự khác, ví dụ như tạo điều kiện thông thoáng trong việc tiếp cận vốn ngân hàng về thủ tục, điều kiện cũng như thời gian thì hành vi này không có cơ sở để tồn tại. Bên cạnh đó, chúng ta đã có cơ chế khởi kiện trong dân sự đối với giao dịch cho vay trong đó Toà án sẽ tuyên bố vô hiệu các giao dịch vi phạm về lãi suất thì không nhất thiết phải xử lý hành vi này bằng biện pháp hình sự. Đồng thời trong BLHS có tội cưỡng đọat tài cũng đủ sức chống lại tình trạng tín dụng đen.

Chính vì cần quy định theo hướng thu hẹp phạm vi áp dụng của tội Cho vay nặng theo hướng, chỉ tội phạm hóa hành vi cho vay lãi nặng đối với những người nào trong một hợp đồng hoặc các giao dịch pháp lý khác mà lợi dụng tình trạng quẫn bách, sự nhẹ dạ cả tin của người khác để cho vay lãi nặng.

Còn Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, Điều 207 quy định 4 tội danh tương ứng với 4 hành vi. Ông Hưng cho rằng việc cả 4 tội danh trong một điều luật với cùng 1 chế tài là không đảm bảo nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự. Về tính nguy hiểm cho xã hội thì hành vi làm (sản xuất) tiền giả nguy hiểm cao hơn so với các hành vi vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả. Bên cạnh đó, ý đồ của người soạn thảo coi đối tượng “tiền giả” ở đây bao gồm cả Việt Nam đồng và Ngoại tệ. Trên thực tế, hành vi làm ngoại tế giả có tính chất mức độ, nguy hiểm khác so với làm giả tiền Việt Nam.

Chính vì vậy nên tách điều 207 thành 4 điều gồm các tội: 1. Tôi làm tiền giả; 1. Tội  tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; 3. Tội làm ngoại tệ giả; 4. Tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành ngoại tệ giả. Bên cạnh đó, quy định về tội liên quan đến tiền giả cần cụ thể hóa dấu hiệu: nhằm mục đích lưu hành tiền giả trong cấu thành tội phạm nhằm phân biệt với nhiều trường hợp trên thực tế làm tiền giả với mục đích khác thì không cấu thành tội này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không nên bổ sung thêm tội danh vào BLHS 2015 sửa đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO