Khi cán bộ thanh tra làm "nô lệ" của đồng tiền

T.Thành| 26/06/2019 09:44

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, hàng chục cán bộ thanh tra, hải quan “nhúng chàm” và phải sa vào vòng lao lý. Tất cả cũng chỉ bởi họ không chế ngự được lòng tham, trở thành nô lệ của đồng tiền.

Cuối tháng 4 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố 5 cán bộ thanh tra của tỉnh này về tội nhận hối lộ và bắt tạm giam 4 tháng để điều tra.

Đúng một tháng sau, 5 cán bộ, nhân viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu La Lay, Quảng Trị bị kỷ luật và luân chuyển công tác vì bị phản ánh có dấu hiệu nhận tiền “bôi trơn” khi làm thủ tục thông quan.

Và mới đây nhất, vào ngày 12/6, đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị bắt quả tang khi nhận tiền từ một số đơn vị, cá nhân bị thanh tra ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố và bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng, cùng hai thành viên là ông Đặng Hải Anh và bà Nguyễn Thuỳ Linh để điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Thế là chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, hàng chục cán bộ “nhúng chàm”. Điều đó không khỏi khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Chẳng lẽ những “con sâu” ấy không biết sợ, quyết tâm làm “rầu nồi canh” giữa lúc cuộc chiến chống tham nhũng đang được Đảng và Nhà nước ta triển khai mạnh mẽ, rốt ráo và quyết liệt?

Hay là vì quá đói nghèo, túng bấn nên những cán bộ như bà Kim Anh, Thùy Linh hay ông Hải Anh mới phải “nhắm mắt làm liều”, bất cần biết đến hàng trăm thậm chí hàng ngàn “tấm gương tày liếp” còn tươi rói từ trung ương đến địa phương vừa mới phải vào “lò”?

Câu trả lời là Không. Có lẽ nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc họ đã không chế ngự được lòng tham vô độ của chính mình, quên mất lý tưởng, trở thành nô lệ của quyền lực, tù binh của đồng tiền.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng

Suy cho cùng thì ai trong chúng ta cũng có những hoài bão, tham vọng của riêng mình. Có người muốn kiếm thật nhiều tiền, có người khát khao thành công, có người đam mê quyền lực, có người muốn chinh phục đỉnh cao tri thức...

Song có một điều không may là rất ít người phân biệt được đâu là ham muốn tích cực hay tiêu cực. Thậm chí nhiều người chạy đua với thời gian, dùng mọi thủ đoạn, toan tính để thỏa mãn tham vọng. Họ bất cần biết cái giá mà mình phải trả cho những ham muốn vật chất, lợi ích là gì.

Đối với những người như thế, khi quyền lực rơi vào tay họ, nó chả khác gì một công cụ để kiếm tiền. Tham ô, tham nhũng cũng nảy nòi ra từ đó. Tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính trị, tham nhũng thời gian...

Mà từ cổ chí kim, tham nhũng luôn được xem là “giặc nội xâm”, một trong những nguy cơ chính đe dọa sự tồn vong của mỗi chế độ, quốc gia. Nó như “vết dầu loang”, gặm nhấm công sản, ăn mòn niềm tin của nhân dân, làm mất lẽ công bằng, băng hoại giá trị đạo đức truyền thống và đặc biệt là ngăn cản sự phát triển của đất nước.

Ngay như “nhà bác học lớn của Việt Nam thời phong kiến” Lê Quý Đôn cũng đã từng đúc kết và chỉ ra “ngũ họa”. Đó là tham nhũng tràn lan; trẻ không kính già; trò không trọng thầy; binh kiêu tướng thoái; sĩ phu ngoảnh mặt. Chỉ cần phạm vào một trong năm điều họa ấy thôi cũng đủ làm quốc sỉ tổn thương, liêm sỉ khó tròn. Còn năm họa ấy hội lại thì quốc sỉ mất, liêm sỉ tan, đất nước tiêu vong, mà thân phận mỗi người dân cũng trôi theo dòng nước!

Chả phải ngẫu nhiên mà tác giả của Phủ biên tạp lục lại xem tham nhũng là một trong “ngũ họa”. Bởi, tham nhũng về chính trị, về quyền lực hay về tiền bạc luôn tiềm ẩn nguy cơ làm quốc gia suy vong, mục rỗng nhân tâm, phá nát lòng tin.

Ví như vụ việc ở Vĩnh Phúc nói trên, thay vì làm tròn trách nhiệm, những cán bộ như bà Kim Anh, bà Thùy Linh hay ông Hải Anh đã dùng cái mác “thanh tra” như một thanh “thượng phương bảo kiếm” để “chém” ra... tiền.

Vẫn biết rằng đó là sai phạm của một số cá nhân, nhưng nó không chỉ làm ảnh hưởng đến ngành, đến cơ quan chủ quản, mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân.

“Anh đi thanh tra lại vi phạm, để “miếng thịt bịt miệng” như thế thì liệu việc thanh tra có còn khách quan, trung thực?”. Dư luận hoài nghi như vậy cũng là điều dễ hiểu.

 Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thái Học (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên), cho biết: “Lâu nay, dư luận vẫn đặt vấn đề có tiêu cực hay không trong thanh tra, kiểm tra và trên thực tế có chứ không phải là không. Những vụ việc vừa rồi cho thấy cần phải siết chặt lại hoạt động thanh tra, kiểm tra. Nhất là soát xét lại khâu lựa chọn cán bộ, thông qua đó bổ nhiệm cán bộ ra sao, thành lập đoàn thanh tra như thế nào cho đúng”.  

Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phân tích: “Không có quy định của pháp luật nào nghiêm cấm việc hai thành viên là người nhà tham gia đoàn thanh tra, vì không thuộc vào trường hợp bị xung đột lợi ích. Tuy nhiên câu chuyện cử hai chị em ruột như trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Anh và bà Nguyễn Thị Kim Liên tham gia vào cùng một đoàn thanh tra là thấy có vấn đề. Dư luận rất phản đối việc như vậy”.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 17/6 vừa qua, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã yêu Đảng ủy Công an Trung ương được giao chỉ đạo khẩn trương làm rõ vụ “vòi tiền” và nhận tiền của một số cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng trong quá trình làm việc tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc để xử lý nghiêm theo quy định.

Đồng thời, Thường trực Ban chỉ đạo cũng yêu cầu Ban cán sự Đảng - Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm Phó trưởng phòng (Phòng phòng, chống tham nhũng thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng) đối với bà Nguyễn Thị Kim Anh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan nếu có sai phạm; báo cáo kết quả với Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng  trước ngày 30/6.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị chức năng khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/8/2019.

Những chỉ đạo kịp thời, sát sao của Thường trực Ban chỉ đạo cũng như của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa minh chứng cho quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng. Tuy còn rất nhiều những gian nan, xong cuộc chiến ấy đã và đang góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi cán bộ thanh tra làm "nô lệ" của đồng tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO