Đừng để lãng phí nhân tài

Thành Tâm| 31/07/2019 09:01

Tại Hội thảo khoa học chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công ngày 17/7, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận định: "Bất cứ một chế độ nào, nhà nước nào, cơ quan nào, thời điểm nào cũng quan tâm đến việc thu hút và trọng dụng nhân tài".

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, “Thời gian qua, vấn đề trọng dụng nhân tài được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, mỗi địa phương cũng có chính sách về việc này, có nơi khá thành công, có nơi chính sách không phù hợp. Hiện nay, các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đan xen nhau không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật và còn nhiều vấn đề…”. 

Nói về khó khăn, bất cập, tại Hội thảo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có Đề án Mê Kông 1000, đào tạo những nhà khoa học, thạc sỹ, đại học ở các quốc gia trên thế giới bằng nguồn kinh phí của cơ quan nhưng khi về bố trí sử dụng không phù hợp.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng có chương trình đào tạo, nhiều địa phương có chính sách trải thảm đỏ thu hút nhân tài, nhưng việc sử dụng, giữ được người tài và tạo điều kiện cho họ có môi trường phát huy tốt hơn còn khó khăn và bất cập. “Đến nay khái niệm thế nào là nhân tài cũng đang là một vấn đề, mỗi quốc gia có khái niệm khác nhau…” Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chia sẻ.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, nhân tài thời nào cũng có, quan trọng là làm cho họ xuất hiện và sử dụng được họ mới là điều khó. Nếu chúng ta không trọng dụng được nhân tài, không giữ được nhân tài và không tạo môi trường cho nhân tài tồn tại, phát triển thì thất bại”.

“Đừng trừu tượng hóa nhân tài lên, vẽ nhân tài là người có đầy đủ áo, mũ, ô và mọi thứ thì rất khó. Phải trân trọng phát hiện từng cấp độ để bồi dưỡng. Chính sách phải đa dạng mới có thể thu hút được nhân tài”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông nói.

Vậy để làm sao phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng được người tài? Câu hỏi không hề dễ trả lời. Về vấn đề này, theo các chuyên gia, là phải cải cách mạnh mẽ khu vực công để tinh gọn lại và làm sao cơ bản công chức phải là tinh hoa. Phải rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực, phẩm chất. Cùng với đó, đa dạng hóa chính sách cho từng cấp độ nhân tài để có chính sách sử dụng phù hợp.

Còn Tiến sỹ Dương Quang Tung – Nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) cho rằng, để thu hút, trọng dụng nhân tài, phải tập hợp nhiều giải pháp chứ không chỉ có đãi ngộ. Muốn trọng dụng thì người đứng đầu phải biết sử dụng người.

Có lẽ hơn ai hết, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi nhân tố con người là quyết định, và nhân tài có vai trò to lớn, là một động lực để phát triển đất nước, phải được phát hiện, phát huy, trọng dụng vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Đồng thời, Người cũng khẳng định rằng một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết.

Tư tưởng ấy của Người đến nay vẫn mang tính thời sự và cũng chính là kinh nghiệm cực kỳ quý báu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để lãng phí nhân tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO