Bảo đảm tranh tụng trong xét xử để xác định sự thật của vụ án

Quang Huy| 02/07/2017 09:07

Tranh tụng trong xét xử phải được coi trọng và chỉ có căn cứ vào kết quả tranh tụng, HĐXX mới có thể ra được bản án, quyết định khách quan, toàn diện, đúng pháp luật…

Tòa án nhân danh nhà nước có nhiệm vụ xét xử các vụ án nhằm bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Muốn vậy tranh tụng trong xét xử phải được coi trọng và chỉ có căn cứ vào kết quả tranh tụng, HĐXX mới có thể ra được bản án, quyết định khách quan, toàn diện, đúng pháp luật…

Điều 102 Hiến pháp 2013 và Điều 2 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định: TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Như vậy, trong bộ máy nhà nước pháp quyền Việt Nam, Quốc hội là cơ quan lập pháp, Chính phủ là cơ quan hành pháp và Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước được ghi nhận trong Hiến pháp, là nguyên tắc của của nhà nước pháp quyền XHCN, nhằm bảo đảm cho các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực hiện nhiệm vụ của mình một cách có hiệu lực, hiệu quả.

Một phiên tòa hình sự của TAND TP Hà Nội 

Theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013, khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì chức năng chính của TAND là xét xử và việc xét xử thường được kết thúc bằng việc Toà án nhân danh nước CHXHCN Việt Nam ra bản án để thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị quan trọng được pháp luật quy định. Hoạt động xét xử, mà kết quả là việc HĐXX ra bản án để xác định một người có tội hay không có tội, phải chịu hay không phải chịu hình phạt. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai.

Bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan nghiêm chỉnh chấp hành. Bản án hình sự khi được ban hành và có hiệu lực pháp luật thì những quyết định trong bản án đưa đến những hậu quả pháp lý ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của người bị buộc tội và chủ thể khác liên quan.

Tòa án nhân danh nhà nước có nhiệm vụ xét xử các vụ án hình sự, dân sự và các loại vụ án khác nhằm bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tại phiên tòa, HĐXX có trách nhiệm bảo đảm tranh tụng trong xét xử, áp dụng các biện pháp hợp pháp xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện để chứng minh tội phạm; xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng, các chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập, do Luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp.

HĐXX thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc thấy không còn cần thiết; xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm nghe HĐXX tuyên án

Quá trình xét xử, HĐXX phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm mới hoặc bỏ lọt tội phạm thì có trách nhiệm khởi tố vụ án hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự; nếu phát hiện nguyên nhân và điều kiện phạm tội thì yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và phòng ngừa; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản pháp luật.

Mọi hoạt động tố tụng được Tòa án thực hiện theo quy định của BLTTHS, không được xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Xét thấy cần thiết, HĐXX có quyền trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung tài liệu, chứng cứ; hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa. Qua tranh tụng, HĐXX sẽ làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội; tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội; bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự.

Khi nhận định, HĐXX phân tích những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định không có tội, xác định bị cáo có tội hay không, nếu bị cáo có tội thì là tội gì, theo điểm, khoản, điều nào của BLHS và của văn bản quy phạm pháp luật khác được áp dụng; các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Căn cứ vào kết quả tranh tụng, HĐXX ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không áp dụng hình phạt; giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; xử lý vật chứng của vụ án… Khi không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định thì HĐXX kết luận người bị buộc tội không có tội. Nếu bị cáo không có tội thì bản án ghi rõ những căn cứ xác định bị cáo không có tội và việc giải quyết khôi phục danh dự, quyền cũng như lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật. Muốn vậy tranh tụng trong xét xử phải được coi trọng và chỉ có căn cứ vào kết quả tranh tụng, HĐXX mới có thể ra được bản án, quyết định khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm tranh tụng trong xét xử để xác định sự thật của vụ án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO