Thú rừng dù bị pháp luật nghiêm cấm săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ… nhưng chúng vẫn đang bị nhiều đối tượng tìm đủ cách gom hàng, đưa từ các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ, thậm chí từ nước ngoài… về TP.HCM tiêu thụ.
Thú rừng dù bị pháp luật nghiêm cấm săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ… nhưng chúng vẫn đang bị nhiều đối tượng tìm đủ cách gom hàng, đưa từ các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ, thậm chí từ nước ngoài… về TP.HCM tiêu thụ. Các loại này đặc biệt được giới mày râu săn tìm để tăng sinh lực phái mạnh, nhất là chiêu đãi, tiếp khách, làm quà biếu.
Đi tìm “hàng” rừng
Trong vai một nhân viên nhà hàng, PV báo CL&XH đi tìm các điểm để thu gom dúi rừng về TP.HCM tiêu thụ. Qua giới thiệu của một người quen biết, PV tìm đến với Trại dúi A.K. ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Lúc đầu còn có chút nghi ngờ PV, nhưng sau vài ba câu, người phụ nữ nói ngay: “Anh ở TP.HCM, lấy dúi rừng cho nhà hàng à. Giờ không có nhiều đâu, chỉ còn lại dăm bảy con. Đây là hàng đọng lại, chưa bán hết nên còn. Số này chỉ còn khoảng 7 – 8 lạng, chứ loại lớn thì không còn rồi. Hiện giá ở đây đang bán là 620 ngàn đồng/kg. Nếu vô mùa thì rẻ hơn, giờ hết mùa, rứt lứa rồi nên không đào được. Khi nào có sẽ báo lại cho anh”.
Vì lợi nhuận, các đối tượng phạm pháp bất chấp các quy định của pháp luật để mua bán, vận chuyển động vật hoang dã
Một điểm cung cấp lớn cho thị trường TP.HCM chính là Phong (quận Gò Vấp). Phong được giới thiệu là có mối ở Đắk Nông nên có thể cung cấp với số lượng các loại như dúi, chồn hương, cheo… Trong vai quản lý một nhà hàng lớn tại TP.HCM, PV đề nghị gặp. Qua tiếp xúc, Phong cho biết: “Hiện nay, nếu cần nguồn cung ngày 10kg thì khó kiếm lắm, vì việc săn bắt đang gặp khó khăn”.
Về giá cả, Phong báo: “Dúi có giá là 600 ngàn đồng/kg, chồn hương 650 ngàn đồng, cheo có giá 350.000 đồng. Riêng dúi thì còn sống, còn chồn hương và cheo thì hàng ít khi sống lắm. Bởi, sau khi săn bắt, chúng yếu và dễ chết. Thế nên khi giao hàng, em cũng chỉ giao cho anh hàng đã chết thôi”.
PV làm bộ thắc mắc chỉ bán dúi nuôi mới có nguồn cung nhiều, chứ dúi rừng thì làm sao mà có? Phong đáp ngay: “Bên em có đường để gom hàng, chứ đâu phải dân làm lẻ tẻ đâu. Hơn nữa dúi rừng và dúi nhà (nuôi) thì anh phân biệt ngay chứ gì. Dúi nhà nó có trọng lượng lớn, có thể 2 – 2,5 kg là chuyện thường, còn dúi rừng thì ít lắm, chỉ chừng 1 đến hơn 1kg là cùng”.
Ngoài dúi, cheo, chồn hương, Phong còn giới thiệu thêm nhiều thịt rừng khác như hoẵng, nai, heo rừng… “Nếu anh lấy, em sẽ giao tận nhà hàng cho anh. Phí vận chuyển em sẽ miễn phí cho anh, vì anh lấy số lượng nhiều và đều”.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay, nguồn hàng thịt rừng này chủ yếu có nguồn từ các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ. Đa phần đều có đầu mối tại TP.HCM để tiếp thị, giới thiệu “hàng”, sau đó vận chuyển bằng các phương tiện để tuồn vào TP.HCM, chủ yếu là xe khách.
“Khi có hàng thì trên đó sẽ đưa xuống bằng xe khách giường nằm. Mấy xe này thường chạy ban đêm nên ít bị kiểm tra lắm. Với lại cũng quen rồi, khi nào hàng tới, em sẽ mang sang cho bên anh, không có vấn đề gì cả”, Phong nói. Tương tự, người tên Duy cũng chuyên cung cấp hàng rừng ở Đắk Lắk cho biết: “Khi anh lấy hàng thì cứ điện báo trước cho em mấy bữa. Chuẩn bị hàng xong, em sẽ gửi theo xe khách xuống. Ở đó, có người bên em sẽ đưa hàng sang cho bên anh”.
Qua Campuchia săn tê tê
Hiện nay, nhiều đối tượng cũng đang tìm cách tuồn động vật quý hiếm về TP.HCM, qua ngã biên giới với Campuchia. Ngày đầu năm, PV đến TP. Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) được một nhóm bạn chiêu đãi rượu “ông uống, bà khen” - rượu ngâm bào thai tê tê Campuchia. Sau khi hỏi đầu đuôi ngọn ngành, PV được biết, hiện nay, có nhiều người đang sang Campuchia để săn lùng tê tê và vảy của nó để về sử dụng, nhằm tăng cường sinh lực phái mạnh, chữa các loại bệnh tật.
Để rõ hơn về việc sang Campuchia săn tê tê, PV theo chân một người trong nhóm nhậu sẵn sàng làm người dẫn đường tại Tây Ninh. Theo anh này thì sang Campuchia ở hướng ở cửa khẩu Lò Gò – Xa Mát thì dễ có hàng hơn nhưng khó qua hơn cửa khẩu Mộc Bài. Khi qua đến địa phận Campuchia bằng đường mòn, anh này điện thoại cho một người bạn tên Sơn đang ở đây.
Sau đó, với sự dẫn đường của Sơn, nhóm của PV đi tiếp vào một đoạn khá xa, chừng 10km thì rẻ vào một con đường đất đỏ. Đến một ngã ba khá vắng vẻ, Sơn điện thoại cho ai đó (đã hẹn từ trước). Chừng 15 phút sau, 2 thanh niên chở nhau trên một chiếc xe gắn máy trờ tới. Người ngồi sau cầm một chiếc lồng, trong đó có con tê tê chừng 4 – 5kg.
Bắt giữ 40 cá thể dúi vận chuyển bằng xe khách giường nằm Mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk phát hiện và bắt giữ 40 cá thể dúi rừng trên một chiếc xe khách giường nằm. Tổng số dúi này có trọng lượng khoảng 30kg do hành khách Nguyễn Quang Phổ (ngụ thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) mang theo. Tất cả số dúi này không có giấy tờ, đang chuẩn bị đưa về TP.HCM tiêu thụ. |
Sơn giao tiếp và phiên dịch cho nhóm với 2 thanh niên kia (người Campuchia), sau đó, họ chốt giá bán 6 triệu đồng/kg, hàng tự xách về Việt Nam. Quan sát con tê tê này còn sống và khá khỏe mạnh. Những người này cho biết, mới bắt được vài ba hôm. Lấy lí do không mang đủ tiền, PV nói về Việt Nam lấy tiền rồi quay trở lại. Sơn phiên dịch cho biết: “Nếu lấy thì chỉ cần đứng gần cửa khẩu họ có thể mang sang cho anh”.
Theo những người từng làm hàng này cho biết, hiện nay do sự khan hiếm nên tê tê càng trở nên có giá và nóng. Ông D.T.H., một người từng buôn bán hàng cấm những năm 90 ở Bình Phước cho biết: “Hiện giá 1kg tê tê dao động khoảng từ 6 – 10 triệu đồng, tùy nơi. Loại tê tê phổ biến có trọng lượng dao động trong khoảng từ 4 – 10 kg, rất hiếm khi có con nhỏ hơn. Tính ra, một con tê tê 5 kg hiện giờ cũng có giá không dưới 40 triệu đồng. Tuy đắt là thế nhưng nhiều người vẫn không tiếc tiền đổ xô tìm mua”.
Vì sự khan hiếm nên nhiều đầu nậu, mối lái thịt thú rừng đã bất chấp quy định của pháp luật tìm, tận diệt loài tê tê. Bên cạnh đó, nhiều người đã không tiếc tiền của sang tận nước bạn Lào, Campuchia để tìm mua về làm “thần dược”. “Hôm trước, có một anh ở TP.HCM lên tìm mua tê tê, có người giới thiệu và khu vực này nhưng không ai có bán. Anh ta nói, phải lên cửa khẩu Hoa Lư (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) để sang Campuchia tìm mua cho được. Hiện nay, Campuchia được cho là nơi có nhiều tê tê và các loại “thần dược” đồn thổi khác”, ông H. cho biết.
Ông Trần Tùng, một chủ quán nhậu tại thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) cũng cho biết: “Hiện nay, nguồn cung trong nước khan hiếm nên các tay lái buốn phải sang Campuchia và Lào hoặc nhập khẩu từ các khu vực khác về Việt Nam tiêu thụ. Ở miền Nam, nguồn cung nhiều nhất là Capuchia, còn miền Trung và các tỉnh phía Bắc thì Lào là nguồn cung lớn”.
Một lượng lớn thịt thú rừng, có cả gấu bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ tại TP.HCM
Một cán bộ cảnh sát môi trường Công an TP.HCM biết: “Hiện nay, số vụ việc phát hiện, bắt giữ chỉ chiếm rất ít so với các giao dịch thực tế. Bên cạnh đó, các vụ vi phạm trong thời gian qua hầu hết đều xử lý vi phạm hành chính mà rất ít vụ việc, đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xử lý còn nhẹ so với mức lợi nhuận đem lại là một trong những nguyên nhân làm cho tội phạm trong lĩnh vực này chưa giảm”.
PV: TP.HCM có phải đang là điểm tập kết của các đối tượng buôn bán, vận chuyển động vật cấm từ nơi khác? Ông Nguyễn Xuân Lưu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM: Thực tế cho thấy, TP.HCM hiện đang là điểm tập kết của các đối tượng buôn bán, vận chuyển động vật cấm từ nơi khác: các loại rùa, rắn, tê tê… từ Campuchia về, một số loài từ Tây Nguyên xuống, chim nước từ miền Tây lên… Khi tập kết về tại TP.HCM, các đối tượng phạm pháp sẽ đưa đi tiêu thụ, bán cho các nhà hàng làm thực phẩm hoặc bán cho việc nuôi nhốt. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng là điểm trung chuyển để đưa hàng ra Bắc, xuất lậu qua Trung Quốc hoặc theo đường cảng đi các nước khác. PV: Đâu là cách để TP.HCM ngăn chặn tình trạng này, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm? Ông Nguyễn Xuân Lưu: Để phát hiện và ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã là vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp. Bởi, việc buôn bán này mang lại lợi nhuận cao cho các đối tượng phạm pháp, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ lại lớn nên các đối tượng đã bất chấp các quy định của pháp luật để săn bắt, vận chuyển trái phép. Do đó, để hạn chế tình trạng này rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng: cảnh sát môi trường, hải quan, quản lý thị trường… đồng thời, phải tuyên truyền, vận động người dân nói không với động vật hoang dã”. |