Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Điệu hát từ tâm linh
“Then” trong tiếng Tày được phiên âm là "Stiêng" hay "Thiên", có nghĩa là Tiên, Trời và Hát Then, đối với những người đã sáng tạo ra nó, nghĩa là điệu hát thần tiên - một loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp gồm: ca, nhạc, múa và diễn trò, đặc biệt phổ biến ở vùng dân tộc Tày, Nùng. Chính vì là điệu hát thần tiên mà trong đời sống của người Tày cổ, hát then được dùng trong những sự kiện trọng đại hay lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn… Họ quan niệm, những điệu Then chính là những lời cầu khấn được gửi đến nhà trời.
Cho đến nay, sau nhiều tìm tòi nghiên cứu, vẫn chưa ai biết chính xác quá trình ra đời và phát triển của Then. Có ý kiến khẳng định Then được “khai sinh” từ Cao Bằng để phục vụ đời sống tinh thần người dân lao động; cũng có ý kiến cho rằng, Then phát sinh từ vùng Đông Bắc (Lạng Sơn).
Tuy nhiên, có thể khẳng định, điệu hát này đã đến với các dân tộc từ rất lâu đời, hàng nghìn năm trước. Trải qua thời gian, điệu hát Then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, là linh hồn trong đời sống văn hóa của bà con dân tộc Tày, Nùng trải dài ở 12 tỉnh, thành phố trong cả nước, không chỉ là một loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian, mà còn là một loại hình văn hóa tín ngưỡng gắn với đời sống người dân tộc.
Thiên là tín ngưỡng thờ trời phổ biến của đồng bào về một thế giới thần bí, nơi đó có những nhân vật và sức mạnh diệu kỳ như: Bụt, Giàng, Trời, mà chỉ có bà Then, ông Then mới có đủ bản lĩnh và khả năng đến được thế giới đó. Khi các bà Then, ông Then dâng lên Mường Trời những sản vật của con người thì họ hát: tay đệm đàn, miệng hát, chân xóc nhạc. Chính lời bài hát Then, hoà trong nhịp đàn tính dìu dặt, cùng tiếng xóc lúc khoan nhịp, lúc dồn dập sẽ đưa bà Then, ông Then đến với Mường Trời để cầu xin các vị thần linh cứu giúp con người. Do đó, người hát Then trong những dịp lễ, tết là những người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc.
Không ngừng lan tỏa trong cộng đồng
Hát Then xưa mang tính chất dân gian khá rõ, được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, được nhân dân thích nghe, thích xem và thích tham gia. Bởi trong Then có cả hát múa, đàn và có cả giao duyên. Nhân dân đón Then về đề giải hạn, kỳ yên, vào nhà mới, đặt tên, lên chức... Các tiết mục Then được người làm Then dàn dựng thực hiện theo đúng chủ đề tinh thần của người yêu cầu. Lời hát Then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa, vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ, vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế...
Tín ngưỡng Then có nhiều nghi lễ, tùy thuộc vào yêu cầu của gia chủ mà thầy Then thực hành nghi lễ đó. Các loại nghi lễ của Then bao gồm: Then cầu an giải hạn, thường diễn ra vào dịp đầu năm; Then nàng hang, thường diễn ra vào dịp Trung thu; Then cúng mụ, diễn ra vào dịp cúng đầy tháng; Then thôi tang; lẩu Then, đây là nghi lễ lớn nhất của nhà Then…
Thế giới tâm linh của người Tày, Nùng còn được thể hiện qua những lễ vật mang tính tượng trưng hồn nhiên, mộc mạc trong Then. Các lễ vật trong Then đều ít nhiều được biến hóa theo trí tưởng tượng của họ: ví như quả bí xanh hình dung là con lợn, hoa chuối rừng là con gà trống; chiếc thuyền bẹ chuối là tượng trưng cho đoàn thuyền loan thuyền phượng; tảng bột nặn hoặc một chiếc bánh chưng bọc giấy màu cũng được hình dung là quả núi Su-mi (quả núi thiêng của thần phật trên trời). Đây là những hình tượng rất phổ biến trong Then. Then đã hiện thực hoá thế giới tâm linh của người dân Tày, Nùng. Chính vì vậy mà Then trở nên gần gũi, gắn bó với đời sống tôn giáo tín ngưỡng của người dân qua nhiều thế hệ, là niềm tự hào đối với người dân tộc Tày, Nùng, Thái và có sức lan toả mạnh mẽ.
Hiện nay, hát Then đã có nhiều biến đổi so với trước kia, ngoài các làn điệu then cổ thường được trình diễn ở các buổi lễ tín ngưỡng với các nghi thức nhất định, đã xuất hiện nhiều làn điệu cải biên để thích ứng trong các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng. Nhiều bài Then của các văn nghệ sỹ, nghệ nhân đã vượt qua dải Trường Sơn đi đánh Mỹ, ra công trường để xây dựng nhà máy, về nông thôn để xây dựng quê hương, đất nước, trở nên dễ nghe, dễ cảm và gần gũi, quen thuộc với nhân dân. Thậm chí, một số đồng bào người Tày, Nùng, Thái ở khu vực phía Bắc, khi chuyển đến sinh sống ở những vùng quê mới ở các tỉnh phía Nam đã mang theo nghệ thuật truyền thống này, và ở đó, hát Then đã tiếp tục duy trì được sức sống của nó trong cộng đồng.
Vào hồi 15 giờ 23 phút giờ địa phương ngày 12/12/2019 (3 giờ 23 phút ngày 13/12 giờ Việt Nam), tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Bogotá (Colombia), di sản "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hát Then vừa là một loại hình nghệ thuật dân gian, vừa một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của đồng bào Tày, Nùng, Thái miền núi phía Bắc, thường được sử dụng trong các nghi lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc… góp phần tạo nên tính đa dạng của văn hóa các dân tộc nước ta. |