Tư vấn pháp luật

Hành vi ngược đãi, cưỡng bức người lao động thì bị xử lý như thế nào?

Văn Linh (TAQS Khu vực Hải quân) 25/04/2023 - 13:04

Xin cho biết ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động được hiểu như thế nào và hành vi đó bị xử lý ra sao?

Trả lời: Trong quan hệ lao động, người lao động thường là người yếu thế và có thể là đối tượng của ngược đãi lao động, cưỡng bức lao động.

Do đó, Bộ luật Lao động năm 2019 xác định đây là những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động, tức là những doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động không được thực hiện những hành vi đó.

Nếu vi phạm quy định cấm, tất yếu sẽ có chế tài xử phạt tương ứng.

Ngược đãi người lao động là hành vi làm hại hay kiểm soát người khác. Ngược đãi có thể là ngược đãi về cơ thể, lời nói hoặc cảm xúc.

Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác để ép buộc người lao động phải làm việc trái ý muốn của họ.

Trong đó, một số dấu hiệu nhận diện được xác định bao gồm: Lạm dụng tình trạng khó khăn của người lao động; Lừa gạt; Hạn chế đi lại; Bị cô lập; Bạo lực thân thể và tình dục; Dọa nạt, đe dọa; Giữ giấy tờ tùy thân; Giữ tiền lương; Lệ thuộc vì nợ; Điều kiện sống và làm việc bị lạm dụng; Làm thêm giờ quá quy định…

Ví dụ: Đánh đập, dọa sẽ đánh, lạm dụng, lợi dụng tình trạng khó khăn của người lao động, lừa gạt, hạn chế đi lại, cô lập, dọa nạt, giữ giấy tờ, giữ tiền lương, bắt làm thêm giờ quá quy định...

Theo khoản 5 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, nếu người lao động bị ngược đãi, đánh đập, bị cưỡng bức lao động thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ngay mà không cần phải báo trước, không vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, người lao động còn bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tố cáo hành vi vi phạm đến các cơ quan chức năng; cơ quan nhà nước quản lý về lao động; công an; tổ chức của người lao động như công đoàn...

thuc-hien-cong-uoc-cua-to-chuc-lao-dong-quoc-te-ve-xoa-bo-lao-dong-cuong-buc1(1).jpg
Ảnh minh họa

Hành vi ngược đãi người lao động; cưỡng bức lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính

Khoản 4, Điều 11, Nghị định 12/2022/NĐ -CP quy định: Phạt tiền từ 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là mức phạt áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân; đối với tổ chức mức phạt sẽ tăng gấp 2 lần.

Trách nhiệm hình sự

Điều 297 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thì:

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trong những trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, trong những trường hợp: Có tổ chức; Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Tái phạm nguy hiểm.

Phạt tù từ 05 năm đến 12 năm, trong những trường hợp: Làm chết 02 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành vi ngược đãi, cưỡng bức người lao động thì bị xử lý như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO