Hạnh phúc cuối đời của người đàn ông từng bị xem là “con ma rừng”

Dương Kha| 28/02/2017 16:58

Cuộc sống ở làng phong Quy Hòa đã được dệt lên bằng màu xanh của niềm tin, tình yêu và hi vọng từ chính những bệnh nhân phong - những người từng bị xem là "con ma rừng".

Tại làng phong Quy Hòa, chúng tôi được gặp nhiều gia đình với những cảnh ngộ éo le. Từng được xem là thế giới an bài của những “con hủi” bất hạnh, nhưng giữa cơn tang thương màu nước nhạt, nhiều đôi nam nữ đã gặp gỡ và nên duyên nên nợ với nhau. Nhìn cách họ sinh hoạt, quan tâm nhau, đã khiến chúng tôi không khỏi bùi ngùi.

16 năm bị xem là “con mà rừng”

Chúng tôi tìm về làng phong Quy Hòa (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) vào một buổi chiều. Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Phạm Văn Sung (46 tuổi, người dân tộc Hre, quê ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) và bà Ka Wẹ (53 tuổi, người dân tộc Châu Mạ, quê ở tỉnh Lâm Đồng), nằm ở cuối làng. Hôm nay, bà Wẹ đi mua ve chai về trễ, ông Sung phụ trách việc nấu bữa tối cho 2 vợ chồng. Thường ngày, ông Sung làm công việc tưới hoa, cây cảnh trong khuôn viên Bệnh viện phong Quy Hòa, hôm nay ông được về sớm.

Thấy người lạ, ban đầu ông Sung có vẻ rụt rè nhưng trước sự chân thành và nhiệt tình của chúng tôi, ông Sung dần dần cởi mở hơn. Đẩy nhẹ cây củi đang cháy trên bếp, ông Sung nhớ lại khoảng thời gian đau khổ của cuộc đời mình. Ông là con trai cả trong gia đình có 4 anh em. Năm 15 tuổi, ông Sung đột nhiên bị tê nhức tay chân, khiến bàn tay phải của ông mất đi cảm giác. Nhiều người cho rằng, có “con ma” trong người ông. Gia đình ông hoảng quá, mời thầy cúng về đẩy “con ma” ra khỏi người. Nhưng hết bao nhiêu lúa gạo, trâu bò, căn bệnh của ông Sung vẫn không khỏi.

Vợ chồng ông Sung

“Dân làng bảo rằng, “con ma rừng” đã thấm vào xương, vào máu của tôi nên ai ở gần tôi sẽ bị lây nhiễm. Tôi đi đến đâu cũng bị họ xa lánh, họ gọi tôi là “con ma rừng”. Vì không chịu được sự ghẻ lạnh của bà con hàng xóm, nên gia đình tôi cất một cái chòi riêng ở ngoài rẫy cho tôi ở. Hàng ngày mang cơm đến cho tôi”, ông Sung nhớ lại.

Sống lủi thủi ở chòi hơn 13 năm, đến cuối năm 2000, ông Sung lên cơn sốt. Đêm đó, ông ngủ quên, tay phải vô tình thò vào bếp lửa nhưng vì mất hết cảm giác nên ông không hề hay biết. Đến khi nghe nóng bật dậy thì bàn tay đã bị cháy hết mấy ngón. Ông Sung cố chạy về làng nhờ cứu giúp, nhưng vừa nhìn thấy ông, người làng liền hắt hủi. Ngay sau đó, chính quyền địa phương phối hợp với gia đình đưa ông Sung đi điều trị. Nhờ vậy, ông được phát hiện mắc bệnh phong.

Dù các bác sĩ giải thích rõ về căn bệnh của ông Sung nhưng dân làng vẫn không tin, họ vẫn xa lánh và xua đuổi ông. Ông Sung đành phải quay lại cái chòi trên rẫy để sinh sống. Ông Sung buồn bã nhớ lại: “Nhắc lại chuyện cũ chỉ thêm đau lòng. Nói thật lúc đấy, tôi chỉ muốn ăn lá độc trên rừng chết cho xong. Nhưng nếu tôi chết, dân làng sẽ đuổi gia đình tôi ra khỏi làng. Nên tôi tự nói với mình, phải cố gắng mà sống”.

Câu chuyện của chúng tôi với ông Sung bị cắt ngang bởi tiếng xe máy ở trước sân nhà. Thì ra, ông Sung biết tiếng xe ấy là của vợ, nên vội chạy lên bưng bê phụ. Hôm nay, bà Wẹ “tươi như hoa” vì mua được khá nhiều ve chai. Nhìn thấy ông Sung đổ mồ hôi vì sắp xếp những bao ve chai ở phía sau nhà, bà Wẹ ân cần đưa cho chồng ly trà đá vừa mới rót.

Trở lại câu chuyện của ông Sung, cuối năm 2003, biết bệnh tình của ông Sung, một bác sĩ tốt bụng làm việc ở Trung tâm y tế huyện Ba Tơ đã đưa ông vào làng phong Quy Hoà để điều trị. Khi nhập viện, chân phải của ông đã hoại tử nên phải cắt bỏ. Ba năm sau đó, ông Sung lại phải cắt chân lần thứ 2. “Vào làng phong Quy Hòa, tôi như được sinh ra lần thứ 2 vậy đó. Nhờ các bác sĩ ở đây điều trị mà tôi mới khỏe như vậy. Từ đó đến nay, chân tay tôi không bị cắt lần nào nữa”, ông Sung vui vẻ nói.

Chuyện tình rổ rá cạp lại

Ở làng phong Quy Hòa, khi hỏi về vợ chồng ông Sung và bà Wẹ ai cũng biết. Vì ở đây, vợ chồng họ là một trong số ít những cặp vợ chồng đều là người dân tộc thiểu số. Một điều đặc biệt nữa là, ông Sung kém bà Wẹ đến 7 tuổi.

Cuộc đời của bà Wẹ cũng không mấy sáng sủa, bà là con cả trong một gia đình có 13 người con. Ba mẹ mất sớm nên bà Wẹ phải vất vả làm thuê làm mướn lo cho các em. Năm 1987, bà Wẹ kết hôn với một người đàn ông cùng làng. Đến năm 1996, sau khi bà Wẹ sinh người con thứ 4 thì phát hiện chân tay nứt nẻ, rồi bị hoại tử. Sau khi uống thuốc từ lá rừng không khỏi, gia đình mời thầy về cúng bái nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Năm 2003, người chồng nhẫn tâm đuổi bà ra khỏi nhà vì cho rằng bà bị “con ma rừng” hãm hại. Bà Wẹ nhớ lại những ngày tháng đau khổ: “Tôi về nhà em trai sinh sống, sau đó em tôi đưa tôi đi khám thì phát hiện mình bị bệnh phong. Dân làng sợ căn bệnh của tôi nên họ xa lánh. Sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của em trai, tôi đi lang thang khắp nơi. Sau đó, con trai cả của tôi tên là Ka R’ben cưới vợ, rồi ra ở riêng, nó đưa tôi về chăm sóc. Năm 2011, thấy bệnh tình nặng, con trai dẫn tôi xuống bệnh viện phong Quy Hòa để ở và điều trị”.

Ngày xuống Quy Hòa, bà Wẹ quên mang theo cục sạc điện thoại. Đến khi máy hết pin, bà đi mượn các bệnh nhân nhưng chỉcó ông Sung dùng cùng loại sạc. Ban đầu, bà ái ngại nên phải nhờ mọi người mượn giúp. Sau thấy ông Sung tốt bụng, bà mới ngỏ lời làm quen, hai người xin số điện thoại trò chuyện. Sau ba tháng chữa trị, bà Wẹ được xuất viện và trở về Lâm Đồng. Khi đã cách xa hàng trăm cây số, hai người mới nhận ra tình cảm dành cho nhau. “Bà ấy gọi điện xuống bảo là nhớ tôi. Lúc ấy tôi cũng có tình cảm với bà ấy nên bảo nhớ thì xuống lại Quy Hòa đi. Bà ấy xuống thật”, ông Sung vừa kể vừa nhìn vợ tươi cười.

Nhắc lại chuyện cũ, bà Wẹ như ngượng ngùng: Lúc đầu tôi đã có tình cảm rồi nhưng nghĩ bản thân đã từng có chồng, lại có con ông ấy vẫn độc thân nên không dám nói ra. Khi biết ông ấy cũng thương mình, tôi bắt xe xuống lại làng phong rồi gắn bó đến bây giờ”.

Từ năm 2012, ông Sung đưa bà Wẹ về sống chung trong ngôi nhà do bệnh viện cấp. Ông bị tàn tật đôi chân nên được bệnh viện cho làm công việc chăm sóc vườn cây với số tiền 600.000 đồng/tháng. Bà Wẹ bị liệt một bàn tay, đôi chân vì bệnh phong nên đi khập khiễng nhưng vẫn sớm tối đi mua ve chai. Cuộc sống hiện tại dù vất vả, khó khăn nhưng hai vợ chồng đều mãn nguyện. Bà Wẹ từng một lần trắc trở tình duyên nên trân trọng hạnh phúc hiện tại, ông Sung thì đã qua con dốc cuộc đời mới có được mái ấm nên cũng không mong gì hơn.

Ông Sung tự hào nói về vợ của mình: “Tôi may mắn khi có bà ấy làm vợ. Vợ tôi không chỉ lo lắng cho tôi mà còn lo cả cho các em của tôi nữa. Ở quê có đám tiệc, hay ai đau ốm, qua đời, vợ đều sắp xếp để hai vợ chồng về. Bà ấy còn giúp đỡ các em tôi nữa. Năm trước bà ấy cho đứa em trai kế tôi vay tiền mua bò, năm nay bà ấy lại cho thằng em út của tôi mấy triệu để sửa nhà”.

Chia tay vợ chồng ông Sung, rời làng phong Quy Hòa, chúng tôi thấu hiểu một điều rất đơn giản: Cuộc sống ở đây đã được những con người này dệt lên bằng màu xanh của niềm tin, tình yêu và hi vọng. Sống trong cảnh côi cút với đời, những con người bất hạnh chỉ còn cách tìm đến với nhau, nương tựa nhau mà sống cho hết quãng đời con lại...

Dìu nhau vượt qua nghịch cảnh

Ông Trần Công Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân phong ở Quy Hòa cho biết: “Làng phong Quy Hòa hình thành hơn nửa thế kỷ, tập trung không biết bao nhiêu bệnh nhân tới đây điều trị, sinh sống. Đều cùng cảnh ngộ bệnh tật, họ nguyện tìm đến nhau để bù đắp khiếm khuyết, dìu nhau vượt lên nghịch cảnh. Căn bệnh quái ác có thể cướp đi cánh tay hay đôi chân nhưng không thể ngăn cản những trái tim cùng nhịp đập. Ông Sung và bà Wẹ là một minh chứng cho điều đó”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạnh phúc cuối đời của người đàn ông từng bị xem là “con ma rừng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO