Sau hàng loạt tố cáo về việc bố con ông Phạm Văn Thắng, Chủ tịch UBND TT. Thanh Sơn phá rừng, UBND huyện Sơn Động đã yêu cầu xử lý hình sự. Thế nhưng sau đó Công an huyện Sơn Động lại "giơ cao đánh khẽ" khi "hành chính hóa" trong xử lý vụ việc.
Kết luận số 460/KL-UBND ngày 27/6/2016 của UBND huyện Sơn Động nêu rõ, việc công dân tố cáo hộ gia đình ông Phạm Văn Thắng, thôn Nòn, thị trấn Thanh Sơn tự ý phá rừng tại khu Khe Lê, thôn Tân Thanh, xã Tuấn Mậu khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất là đúng. Việc ký xác nhận vào Giấy ủy quyền của ông Hoàng Văn Tuệ, Phó Chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu cho ông Thắng và ông Cương là trái thẩm quyền, do đó giấy ủy quyền này của ông Phạm Văn Thắng cho con trai Phạm Văn Cương (hiện là cán bộ Tư pháp thị trấn Thanh Sơn) là không có giá trị pháp lý. Đối với Hạt Kiểm lâm Sơn Động, việc phá rừng của hộ gia đình ông Thắng nhưng cán bộ kiểm lâm không phát hiện và ngăn chặn kịp thời là vi phạm Điều 81 Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Kết luận nói trên do ông Nguyễn Quang Ngạn, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động ký cũng yêu cầu biện pháp xử lý nghiêm với các hành vi sai phạm của những cá nhân, đơn vị liên quan. Cụ thể, việc gia đình ông Thắng tự ý phá 29.066 m2 rừng khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép là vi phạm khoản 1, Điều 12 Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Hành vi của hộ gia đình ông Thắng vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy không được xử phạt mà phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 7 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Về nội dung này, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động giao Công an huyện Sơn Động điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định.
Công an huyện Sơn Động đã “hành chính hóa” việc chặt phá rừng
Tuy nhiên, về việc này, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sơn Động cho rằng, khi khám nghiệm, hiện trường không còn nguyên vẹn, việc khám nghiệm hiện trường chỉ căn cứ vào lời trình bày và chỉ dẫn của người có đơn tố cáo, người liên quan. Kết quả làm việc với những người có liên quan (cán bộ Kiểm lâm, cán bộ Lâm nghiệp xã, chủ rừng, người phát thuê…) đều xác định thời điểm trước khi anh Cương thuê phát rừng thì rừng không còn cây thân gỗ, chỉ còn lại bụi rậm, là rừng nghèo kiệt. Do đó, đủ điều kiện để lập hồ sơ cho phép cải tạo trồng rừng kinh tế theo quy định, cơ quan chức năng không xác định được thiệt hại về rừng trong diện tích theo đơn tố cáo. Hạt Kiểm lâm không cung cấp được tài liệu pháp lý để khẳng định chính xác loại rừng, trạng thái rừng khi bị chặt phá để làm căn cứ xem xét có dấu hiệu của vụ án hình sự.
Đối với Phạm Văn Cương, là người được bố là ông Phạm Văn Thắng ủy quyền quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng, khi chưa có hồ sơ cho phép cải tạo rừng theo quy định, đã thuê người phát dọn rừng để trồng cây keo là vi phạm. Tuy hành vi trên chưa đủ yếu tố xử lý về hình sự, nhưng phải được xem xét xử lý về hành chính theo quy định của pháp luật. Vì thế, các cơ quan tiến hành tố tụng ở huyện Sơn Động đã không khởi tố vụ án về hành vi phá rừng này…
Rõ ràng là cùng một vụ việc, căn cứ vào báo cáo của cơ quan chuyên môn, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động khẳng định hành vi của hộ gia đình ông Phạm Văn Thắng vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, ông Ngạn đã chỉ đạo không được xử phạt mà phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 7 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Tuy nhiên, khi vụ việc vi phạm được chuyển cho cơ quan Công an huyện Sơn Động để điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định thì vụ việc lại được “hành chính hóa”. Liên quan đến chặt phá rừng tại khu Khe Lê (thôn Tân Thanh, xã Tuấn Mậu), ông Phạm Văn Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn chỉ bị kỷ luật Khiển trách, còn con ông là Phạm Văn Cương (hiện là cán bộ Tư pháp thị trấn, dưới quyền ông Thắng) chỉ bị Cảnh cáo - cả về Đảng lẫn chính quyền.
Dư luận địa phương cho rằng, với cách xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” bố con ông Thắng của cơ quan chức năng huyện Sơn Động, sẽ không làm gương cho những kẻ phá rừng. Và do đó, việc gìn giữ và bảo vệ rừng tại đây của lực lượng chức năng huyện Sơn Động sẽ ngày càng khó khăn hơn.