Mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore trong tháng 2/2024 sụt giảm so với cùng kỳ (giảm 9,48%), tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore vẫn giữ được mức tăng khá tốt (tăng 8,05%) và khá đồng đều ở các nhóm ngành hàng.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, trong tháng 2/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 2,26 tỷ SGD (đô la Singapore), giảm 9,48% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore tiếp tục giữ được mức tăng trưởng dương khá tốt (8,05%) đạt 550,6 triệu SGD, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm gần 14%, đạt hơn 1,71 tỷ SGD.
Trong cơ cấu hàng hoá từ Singapore xuất sang Việt Nam, hàng hoá có xuất xứ Singapore tăng nhẹ ở mức 4,19%, đạt gần 527 triệu SGD; trong khi hàng hoá từ nước thứ 3 qua Singapore xuất sang Việt Nam (chiếm 69% kim ngạch xuất khẩu) giảm mạnh ở mức 20,14% đạt gần 1,19 tỷ SGD.
Mặc dù mức thâm hụt giữa nhập khẩu và xuất khẩu ước tính hơn 1,16 tỷ SGD song nếu chỉ tính riêng cán cân thương mại giữa hàng hóa Việt Nam và hàng hóa có xuất xứ Singapore thì Việt Nam xuất siêu khoảng gần 24 triệu SGD.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch XNK hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 5,17 tỷ SGD, tăng 4,18 % so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng mạnh ở mức 19,32%, đạt gần 1,23 tỷ SGD và nhập khẩu gần 3,94 tỷ SGD, tăng 0,21%.
Xét về xuất xứ hàng hóa, hàng tạm nhập tái xuất qua Singapore vào Việt Nam chiếm 73,61% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu từ Singapore vào Việt Nam, tương đương 2,9 tỷ SGD. Trong khi đó, nếu tính riêng hàng hóa có xuất xứ từ Singapore, thì Việt Nam xuất siêu khoảng 189,26 triệu SGD.
Về nhóm hàng xuất khẩu sang Singapore trong tháng 2, nhóm hàng có mức tăng trưởng rất mạnh như: Sắt thép (tăng 32,85 lần), xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (tăng gần 1,45 lần).
Trong đó cả 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng là: Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại (tăng 5,04 %); Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (tăng 22%); Xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (tăng gần 1,45 lần).
Ở chiều ngược lại, một số nhóm có mức sụt giảm khá mạnh là các sản phẩm từ sắt thép (giảm 71,54%); Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (giảm 49,59%); Nhựa và các sản phẩm từ nhựa (giảm 36,56%)…
Về nhóm hàng nhập khẩu từ Singapore, có 11/21 nhóm ngành hàng có kim ngạch nhập khẩu âm trong đó 2/3 nhóm nhập khẩu chủ lực sụt giảm mạnh so với cùng kỳ như: Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại (giảm 22,64%) và Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (giảm 26,7%).
Một số nhóm hàng nhập khẩu tăng mạnh như: Kẽm và sản phẩm từ kẽm (tăng 1,26 lần); Ngọc trai, đá quý, và các sản phẩm kim hoàn (tăng 206,34%); Thuốc lá và các sản phẩm thay thế thuốc lá (tăng 80,38%).
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, tình hình thương mại trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 của Singapore với thế giới vẫn giữ được tín hiệu phục hồi khá tích cực từ cuối năm 2023 khi tất cả các chỉ tiêu tổng kim ngạch 2 chiều và kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng trưởng dương (lần lượt là 3,51%, 1,72% và 5,62%).
Tuy kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore trong tháng 2/2024 sụt giảm so với cùng kỳ (giảm 9,48%), nhưng có điểm tích cực là kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore vẫn giữ được mức tăng khá tốt (tăng 8,05%) và khá đồng đều ở các nhóm ngành hàng.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn, trong thời gian tới Thương vụ sẽ tiếp tục cập nhật tình hình, cơ chế, chính sách của địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Singapore; hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Singapore vào Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ vào Việt Nam.