Hải Dương: Có hay không việc lợi dụng dồn điền đổi thửa để bán đất trái phép?

Đình Quế| 04/01/2019 12:50

Thời điểm vụ Đông - Xuân đang tới gần, người dân khắp cả nước khẩn trương đổ ải, riêng thôn Mỹ Hảo, xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng, Hải Dương), cánh đồng vẫn còn nham nhở bởi đất đang “bay vào lò gạch”.

Theo phản ánh của hàng chục hộ dân sống tại thôn Mỹ Hảo, thời gian gần đây, thực hiện chủ trương của nhà nước trong công tác dồn điền, đổi thửa, xã Ngọc Liên đã tổ chức họp bàn người dân để thống nhất việc dồn điền ở 2 thôn trong xã, trong đó có thôn Mỹ Hảo.

Qua họp bàn, số lượng hộ gia đình đồng thuận mới chỉ được khoảng 70%, ấy vậy mà các tiểu ban trong thôn, đứng đầu là ông Hoàng Kim Nghị (bí thư chi bộ thôn) và ông Hoàng Kim Diệu (trưởng thôn) vẫn cho tiến hành san gạt đất đai.

Trong quá trình san gạt, người dân chúng tôi nhận thấy rất nhiều bất cập như: Lẽ ra san chỗ cao xuống chỗ trũng cho bằng phẳng thì địa phương lại cho làm ngược lại. Không những thế, địa phương còn thuê máy xúc, xe tải lấy đất sâu hàng mét để bán cho Công ty gạch Hùng Hằng có địa chỉ tại địa phương.

Người dân trao đổi với Phóng viên tại cánh đồng Ba Đường Mõ, thôn Mỹ Hảo

Ông Nguyễn  Văn Tình (62 tuổi, sống tại thôn Mỹ Hảo) cho biết: "Chúng tôi băn khoan không hiểu có hay không việc thôn, xã lợi dụng việc dồn điền, đổi thửa để bán đất cho Công ty gạch. Việc này khiến cánh đồng mất hết lớp đất màu mỡ, chỉ còn trơ lại đất củ, đất sỏi, người dân làm sao canh tác, cấy lúa bao giờ mới lên thành cây? Trong khi đó, nông nghiệp là nguồn thu chính của người dân, vì thôn không có nghề phụ".

“Có thể chúng tôi sẽ bỏ hoang vụ mùa tới đây nếu như những nghi vấn trong việc phân bổ lại đất ruộng theo chủ trương dồn điền đổi thửa không được làm rõ”, một người dân bức xúc.

Những thửa ruộng vốn bằng phẳng bỗng bị khoét sâu gần 1 mét

Người dân chỉ biết lắc đầu ngao ngán

Ngày 29/12, Phóng viên Công lý & Xã hội đã có mặt tại khu vực cánh đồng Ba Đường Mõ và khu Gốc Bàng, thôn Mỹ Hảo. Tại đây, phóng viên đã tận mắt chứng kiến cả khu cánh đồng hàng trăm mẫu đang bị đào xới nham nhở, máy xúc, máy ủi, xe tải hoạt động nhộn nhịp. Đường bê tông nội đồng cũng đang có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Những thửa ruộng bẳng phẳng bị khoét sâu gần 1 mét. 

Cũng tại đây, cùng với sự có mặt của hàng chục hộ dân, Phóng viên đã gọi điện cho ông Hoàng Kim Diệu – trưởng thôn Mỹ Hảo với đề nghị ông Diệu ra trực tiếp hiện trường để có thông tin khách quan thực tế với người dân, thế nhưng ông Diệu lấy lý do đang đi đám cưới ở Hà Nội không ra được và cũng không bố trí gặp được.

Bí thư xã nói "không bàn đến luật"

Để làm rõ những bức xúc của người dân xung quanh việc dồn điền, đổi thửa chỉnh trang đồng ruộng tại thôn Mỹ Hảo. Phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đình Khắc – bí thư xã Ngọc Liên (đồng thời là trưởng ban).

Thông tin tới Phóng viên, ông Khắc cho biết, thực hiện chủ trương của tỉnh về dồn điền đổi thửa, Ngọc Liên là 1 trong 5 xã trong huyện chưa hoàn thiện xong năm 2017 nên hiện tại xã đang gấp rút tiến hành cho kịp mùa vụ sắp tới.

Cũng theo ông Khắc, xã đã giao cho các thôn thành lập các tiểu ban, thự hiện công tác chỉnh trang trước, dồn điền sau, theo nguyên tắc: gạt đất màu lên thành đống  sau đó lại san ra cho đều, nếu chỗ nào dư thừa thì chuyển đi.

Khi Phóng viên đề cập đến việc có được phép tận dụng đất trong quá trình dồn điền, đổi thửa đem bán hay không thì ông Khắc khẳng định: “theo luật thì không được phép, thế nhưng ở đây chúng ta không bàn đến luật, anh em phải thực sự chia sẻ cho địa phương”.

“Trước đó xã cũng không nắm được thông tin tại khu cánh đồng thôn Mỹ Hảo đang xảy ra tình trạng khai thác đất ruộng đem bán cho Công ty gạch, đến lúc họ đào rồi mới biết nhưng số lượng không nhiều” ông Khắc nói.

Xe tải chở đất vào Công ty gạch Hùng Hằng 

Đường bê tông nội đồng xuống cấp trầm trọng

Liên quan đến việc có hay không việc xã Ngọc Liên cùng chi bộ thôn Mỹ Hảo tạo điều kiện cho Công ty gạch Hùng Hằng khai thác đất trái phép, lợi dụng việc dồn điền, đổi thửa, trao đổi với PV qua điện thoại đại diện Công ty gạch Hùng Hằng cho biết: “Chúng tôi được chính quyền địa phương chấp thuận cho khai thác đất để sản xuất gạch, tiền mua đất sẽ san bằng sang số tiền đào đất đắp bờ cho thôn, mỗi hôm khai thác được có mấy nghìn khối. Có thể sang mùng 5 đến mùng 10 tháng sau, chúng tôi dừng”.

Với một vùng đất phụ thuộc chính vào việc canh tác nông nghiệp, đất trồng lúa mà xáo trộn tầng canh tác và lấy thêm nhiều lớp kế tiếp sẽ dẫn đến mất tầng đế cày. Phải mất từ 3 - 4 năm đất ruộng lúa mới hồi phục được nhưng có lẽ phải bù rất nhiều lượng phân hữu cơ. Liệu chính quyền các cấp tại tỉnh Hải Dương có thấu?

Công lý & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Có hay không việc lợi dụng dồn điền đổi thửa để bán đất trái phép?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO