Ông Lê Tùng Lâm là thành viên của Ban giám sát đầu tư cộng đồng dự án xây dựng Nhà văn hóa Tổ dân phố 8, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cho rằng, nhà thầu có dấu hiệu thi công sai thiết kế kỹ thuật, không đảm bảo chất lượng công trình nhưng vẫn đưa vào bàn giao sử dụng.
Ngày 13/7/2023, UBND thị xã Hồng Lĩnh ra Quyết định số 1510 phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư dự án Nhà văn hóa Tổ dân phố 8, phường Bắc Hồng, công trình được khởi công ngày 18/9/2023.
Cùng ngày, Chủ tịch UBMTTQ phường Bắc Hồng cũng ra Quyết định số 10/QĐ-UBMT về việc kiện toàn Ban giám sát đầu tư cộng đồng dự án này. Sau khi công trình tiến hành xây dựng được 15 ngày, ông Lâm phát hiện nhiều hạng mục thi công chưa đúng với bản vẽ thiết kế và đã gửi nhiều đơn thư. Đồng thời, Ban giám sát đầu tư cộng đồng cũng có nhiều văn bản kiến nghị lên chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, ngày 09/08/2024, công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng giữa đại diện chủ đầu tư, đại diện đơn vị tư vấn thiết kế, đại diện đơn vị giám sát; nhà thầu thi công là bên giao và bên nhận là UBND phường Bắc Hồng.
Ngày 6/8/2024, Phòng quản lý đô thị ban hành văn bản số 273/TB-QLĐT thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng này. Theo đó “thực hiện khắc phục các tồn tại theo Biên bản kiểm tra ngày 17/7/2024”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Toàn, Chủ tịch UBND phường Bắc Hồng cho biết, trước khi nhận bàn giao, ngày 17/7/2024, phường được Phòng quản lý đô thị mời và các chủ đầu tư, tổ dân phố đến để nghiệm thu các hạng mục.
Trước câu hỏi của PV về việc thiếu các hạng mục trong thiết kế, ông Toàn thông tin, tất cả các việc đó các đơn vị đã kiểm tra theo hồ sơ, vì trước đây Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã có ý kiến phản ánh với chủ đầu tư.
Ông Toàn cho biết thêm, phường chỉ là đơn vị thụ hưởng và các hạng mục thiếu như người dân phản ánh, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, tư vấn giám sát và cả phòng chuyên môn.
Khi ông Nguyễn Hữu Bính, tổ trưởng tổ dân phố (TDP) 8 thông báo đã nhận bàn giao thì Ban công tác mặt trận TDP tiến hành họp vào ngày 11/08/2024. Tất cả thống nhất khắc phục đúng hồ sơ thiết kế trước khi bàn giao công trình đưa vào sử dụng và đã gửi biên bản họp lên UBND phường Bắc Hồng. Đồng thời, phường gửi Công văn số 232/UBND ngày 14/8/2024 lên Ban QLDA đầu tư xây dựng thị xã Hồng Lĩnh.
Theo Ban giám sát cộng đồng phản ánh, thiết kế trần là thạch cao nhưng khi thi công lại là trần tôn. Hệ thống chống sét làm sai so với thiết kế, bồn hoa có 43m chưa làm đúng thiết kế và không ốp đá.
Ngoài ra, hai bồn hoa lục lăng không xây và khối lượng vật liệu phá dỡ nhà văn hoá cũ không xúc đổ mà vẫn dùng đắp nền.
Trả lời vấn đề này, đại diện chủ đầu tư lý giải: Ý định thiết kế ban đầu trần nhà văn hóa là trần thạch cao. Tuy nhiên, do hiệu quả của dự án cũng như theo phương án chung cho tất cả các nhà văn hóa trên địa bàn thị xã. Vì vậy, chủ đầu tư, đơn vị thẩm định thống nhất với tư vấn thiết kế điều chỉnh sang trần tôn (được thể hiện trong dự toán phê duyệt).
Nhưng, đơn vị thiết kế chưa sửa hết nội dung điều chỉnh trên các bản vẽ. Do đó, khi công trình đưa vào thi công, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phát hiện và đã yêu cầu thiết kế chỉnh sửa. Trần nhà văn hóa TDP8 làm bằng trần tôn là đúng với dự toán đã được phê duyệt.
Theo thiết kế, hệ thống dây dẫn chống sét từ mái xuống nền đất được bố trí ở trục trước nhà văn hóa gây mất an toàn và thiếu mỹ quan. Lẽ đó, các bên thống nhất chuyển đổi dây dẫn chống sét từ mái nhà xuống ra trục sau nhà văn hóa mà không làm thay đổi đặc tính kỹ thuật.
Thiết kế là dây dẫn sét phi 10 bằng chất liệu thép nhưng thực tế cho thấy là sắt xoắn. Trả lời thông tin này, ông Nguyễn Sỹ Văn, cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Hồng Lĩnh cho biết, vấn đề này thuộc chuyên môn nên PV không cần phải tìm hiểu!
Đối với hạng mục phụ trợ (bồn hoa): Sau khi xem xét thực tế sân trước nhà văn hóa, các bên nhận thấy thi công bồn hoa theo thiết kế sẽ làm giảm diện tích không gian sinh hoạt, ảnh hưởng đến vui chơi thể thao và các sinh hoạt của người dân.
Do vậy, các bên thống nhất xây dựng hạng mục phụ trợ “bồn hoa" với diện tích phù hợp, đáp ứng thẩm mỹ nhằm tạo khuôn viên vui chơi thể thao rộng rãi cho người dân tổ dân phố. Khối lượng nghiệm thu sẽ tính theo khối lượng thực tế xây dựng tại hiện trường. Vật liệu đất đào móng nền nhà văn hóa cũ được tận dụng 30% theo hồ sơ thiết kế.
Cần nhấn mạnh rằng, khi người dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng phản ánh thông tin đúng về những hạng mục chưa làm, làm không đúng với thiết kế và hồ sơ đã được phê duyệt, chậm trả lời các đơn thư phản ánh thì trách nhiệm thuộc về ai?
Với tư cách là thành viên ban công tác mặt trận tổ dân phố, những vấn đề mà ông Lâm phản ánh là để công trình sử dụng an toàn và lâu dài. "Việc này không vì mục đích tư lợi mà muốn thực hiện quyền giám sát chặt chẽ của nhân dân, chứ không phải như ý này nọ của người đại diện cơ quan chức năng", ông Lâm bộc bạch. Ông phân trần thêm, khi thiết kế thì thông qua người dân Tổ dân phố 8, nhưng khi thay đổi thiết kế lại không lấy ý kiến.