Giáo dục

Hà Nội phải giải quyết dứt điểm tình trạng xếp hàng đăng ký nhập học

B.Dương 16/08/2023 - 17:13

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn yêu cầu ngành GD&ĐT Hà Nội nỗ lực hơn nữa, ưu tiên mọi biện pháp, quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, trong đó phải giải quyết dứt điểm tình trạng phụ huynh học sinh xếp hàng nộp hồ sơ đăng ký nhập học.

Sáng 16/8, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024. Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đánh giá cao những nỗ lực của ngành Giáo dục Thủ đô trong năm học 2022-2023 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định, TP. Hà Nội luôn dành sự quan tâm đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo, đạt nhiều kết quả nổi bật và có đóng góp ngày càng hiệu quả trong kết quả của giáo dục cả nước. Hệ thống giáo dục Thủ đô đã và đang được xây dựng, phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng...

ha-noi-can-giai-quyet-dut-diem-tinh-trang-xep-hang-dang-ky-nhap-hoc.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu, năm học mới, ngành Giáo dục Thủ đô cần nỗ lực hơn nữa, ưu tiên thực hiện mọi biện pháp, quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 theo lộ trình, nhân rộng điển hình triển khai chương trình mới; đồng thời tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường học, đổi mới phương pháp dạy học và quan tâm triển khai văn hóa học đường.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu ngành GD&ĐT Hà Nội nỗ lực hơn nữa, ưu tiên mọi biện pháp, quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, trong đó phải giải quyết dứt điểm tình trạng phụ huynh học sinh xếp hàng nộp hồ sơ đăng ký nhập học.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thành phố luôn xác định giáo dục là một trong những lĩnh vực cần quan tâm đầu tư và được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, kế hoạch.

Tuy nhiên, theo bà, so với yêu cầu phát triển, giáo dục Thủ đô vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm như tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, sĩ số học sinh/lớp ở một số trường cao hơn quy định, còn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa phương…

Do đó, trong năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Thủ đô cần xây dựng kế hoạch chi tiết và các chương trình chuyên đề để thực hiện tốt nhiệm vụ; rà soát quy hoạch, tập trung nguồn lực triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo kế hoạch; tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố các cơ chế chính sách đặc thù…

Bà Vũ Thu Hà cũng đề nghị ngành Giáo dục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Trước mắt, Sở GD&ĐT tham mưu kế hoạch tổ chức tuyển sinh trực tuyến ở tất cả các loại hình từ năm học 2023-2024, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để nâng chất lượng giáo dục đại trà, giảm dần khoảng cách về chất lượng giữa các nhà trường…

nvm5967.jpg
Các đại biểu dự hội nghị

Tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT Thủ đô thực hiện chủ đề "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo”. Ngành hiện thực hóa bằng 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó quan tâm đến công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Thành ủy, HĐND, UBND thành phố các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực GD&ĐT phù hợp tình hình thực tiễn của xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại của những năm học trước, đặc biệt trong công tác thi, tuyển sinh đầu năm học. Ngành phối hợp các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã đảm bảo các dự án đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT, tiếp tục đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại...

Năm học 2022-2023, toàn thành phố có 2.840 trường Mầm non, Phổ thông với gần 2,2 triệu học sinh và gần 123.000 giáo viên. Tính đến tháng 6/2023, thành phố có 72,4% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Đây là năm học đầu tiên thực hiện Chương GDPT 2018 đối với cấp THPT, các trường đã thực hiện tốt theo đúng hướng dẫn, trong đó có việc tổ chức cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn học.

Cũng tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã trình bày tham luận làm rõ hơn những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua cũng như các giải pháp, nhiệm vụ tập trung triển khai thời gian tới.

Theo đại diện của huyện Gia Lâm, huyện hiện có 73/79 trường đạt chuẩn quốc gia. Huyện luôn dành ưu tiên nguồn lực xây dựng trường học theo hướng đạt chuẩn để tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục. Không chỉ quan tâm đầu tư cho các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, huyện còn chủ động dành kinh phí cải tạo, nâng cấp các trường THPT.

Đối với Chương trình GDPT 2018, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, Phòng đặc biệt chú trọng bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình. Các giáo viên được bồi dưỡng năng lực thiết kế bài giảng, đổi mới phương pháp dạy học; việc dạy học các môn học, hoạt động giáo dục mới như khoa học tự nhiên, tin học - công nghệ, hoạt động trải nghiệm; kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm và năng lực đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh…

Báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội nêu rõ, năm học 2022-2023, toàn thành phố có 2.840 trường Mầm non, Phổ thông với gần 2,2 triệu học sinh và gần 123.000 giáo viên. Tính đến tháng 6/2023, toàn thành phố có 72,4% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Đây là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với cấp THPT, các trường đã thực hiện tốt theo đúng hướng dẫn, trong đó có việc tổ chức cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn học.

Năm học 2022-2023, Thủ đô giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi với 8 học sinh đoạt giải quốc tế, 141 học sinh đoạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp THPT. Đặc biệt, Hà Nội còn đứng đầu cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V; 4/4 dự án thi khoa học kỹ thuật quốc gia đều đoạt giải. Bằng nhiều giải pháp thiết thực, trong đó có việc quan tâm đặc biệt đến học sinh yếu kém, năm 2023, thành phố đã bứt phá về tỷ lệ tốt nghiệp THPT với 99,56% học sinh tốt nghiệp, xếp thứ 16 của cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2022. Hà Nội cũng là một trong 4 địa phương của cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phải giải quyết dứt điểm tình trạng xếp hàng đăng ký nhập học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO