Nhiệm vụ xây dựng đô thị văn minh, hiện đại đã và đang được nhiều địa phương triển khai, bước đầu mang lại những kết quả khả quan, giúp bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp, trong đó điểm nhấn là mô hình tuyến phố văn minh đô thị.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều quy định “không được làm” tại các tuyến phố văn minh đô thị nhưng vẫn còn những hành vi cố tình vi phạm, như: Đỗ xe sai nơi quy định; chiếm vỉa hè, lòng đường bày bán hàng hóa; xả rác, tập kết rác thải ra hè phố, lòng đường gây ô nhiễm môi trường…
Tồn tại nhiều vi phạm
Theo khảo sát tại các tuyến phố văn minh đô thị không khó để bắt gặp tình trạng vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng dưới nhiều hình thức. Đơn cử, dù đã có biển “để xe máy trên vỉa hè đúng quy định, trong vạch sơn”, thế nhưng trước quán phở ở số 33 và cửa hàng chăm sóc sắc đẹp số 42, phố Lê Đại Hành; cửa hàng xe máy ở số 348 Phố Huế..., vẫn có nhiều xe máy để ngoài vạch sơn cho phép.
Hay tại tuyến phố văn minh đô thị Trần Khát Chân, vào sáng sớm hoặc cuối giờ chiều hằng ngày, xuất hiện nhiều túi rác thải lớn nhỏ trên vỉa hè, dưới lòng đường, rất mất mỹ quan đô thị. Trước cửa các số nhà 423, 433 phố Trần Khát Chân, tình trạng xe đỗ không đúng nơi quy định, hàng quán bày bàn ghế chiếm vỉa hè… cũng xuất hiện thường xuyên.
Tại quận Hoàng Mai, dọc phố Trần Nguyên Đán (đoạn từ chợ xanh Định Công đến siêu thị Đức Thành - lô 25, Trung tâm thương mại Định Công), hằng ngày, nhiều hàng ăn ngang nhiên đặt lò nướng thịt, kinh doanh ăn uống, vứt rác sát tấm biển “cấm bày hàng hóa, phương tiện kinh doanh”. Đặc biệt, cửa hàng kinh doanh nước giải khát Mixue, số 28 phố Trần Nguyên Đán còn bày la liệt bàn ghế, chiếm trọn phần vỉa hè phía trước cửa, đẩy người đi bộ xuống lòng đường, gây nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Tương tự, trên các tuyến phố Lê Quang Đạo, Nguyễn Trãi, Cương Kiên (quận Nam Từ Liêm), Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông)…, dù đã triển khai cắm biển tuyến phố văn minh đô thị, yêu cầu người dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán. Tiếp đó là không dừng đỗ ô tô, xe máy sai quy định; không phun, đổ nước, rác thải ra lòng đường, vỉa hè gây mất vệ sinh môi trường…Nhưng, theo khảo sát, các hành vi thiếu văn minh tại các tuyến phố này vẫn diễn ra "như cơm bữa”, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị...
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông xảy ra tại các tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn Hà Nội không ít. Điều đáng nói là khi được hỏi, lãnh đạo các địa phương đều trả lời, việc duy trì các tuyến phố văn minh đô thị hiện nay gặp nhiều khó khăn, việc xử lý vẫn chỉ như “ném đá ao bèo”.
Phó Chủ tịch UBND phường Láng Thượng (quận Đống Đa) Đoàn Thị Hồng Thanh chia sẻ, hiện phường Láng Thượng đã triển khai mô hình tuyến phố văn minh đô thị tại đường Nguyễn Chí Thanh. Mặc dù hằng ngày, Ban Chỉ đạo 197, Công an phường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm trật tự đô thị dọc tuyến đường, nhưng khi lực lượng chức năng rút quân, vi phạm lại tái diễn. Thực tế, phường có địa bàn rộng, lực lượng chức năng mỏng; ý thức một bộ phận người dân hạn chế; dọc tuyến đường có nhiều trường học, cơ quan, đơn vị… với lượng người lưu thông hằng ngày lớn, nên không tránh khỏi tình trạng dừng, đỗ xe chưa đúng nơi quy định và lấn chiếm vỉa hè bán hàng chưa được xử lý kịp thời.
Còn Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) Phạm Tuấn Anh thông tin, bên cạnh việc ra quân duy trì trật tự đô thị, trật tự công cộng hằng ngày, mỗi tuần, Ban Chỉ đạo 197 phường đều phối hợp với các địa bàn dân cư ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm tại tuyến phố văn minh đô thị Trần Khát Chân. Từ đầu năm đến nay, UBND phường đã xử phạt 21 trường hợp đổ nước thải, xả rác thải không đúng nơi quy định; 577 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông với tổng số tiền phạt gần 400 triệu đồng; xóa 2 điểm chân rác tồn tại từ lâu tại số 272 và 505 phố Trần Khát Chân… Tuy nhiên, vi phạm vẫn tái diễn khi vắng bóng lực lượng chức năng, gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền địa phương.
Nêu giải pháp khắc phục những hành vi thiếu văn minh tại tuyến phố văn minh đô thị, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) Đặng Quốc Hùng cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng tại các tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn phường là do ý thức của một bộ phận người dân hạn chế, cố tình vi phạm dù phường đã yêu cầu các hộ dân có nhà mặt phố ký cam kết thực hiện nghiêm quy định. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền các quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức của người dân, cấp có thẩm quyền cần cho phép tăng chế tài, xử phạt nặng các hành vi vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng.
“Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị phải bắt nguồn từ thay đổi thói quen ứng xử của chính người dân sinh sống tại đô thị. Do đó, cùng với việc bền bỉ, kiên trì tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân trong giữ gìn văn minh đô thị, chúng tôi tiếp tục triển khai đồng bộ, liên tục nhiều giải pháp; đưa ra những phương thức quản lý phù hợp, lâu dài. Bởi, chỉ khi nào ý thức của người dân được nâng lên thì việc xây dựng văn minh đô thị mới thực sự thành công”, Phó Chủ tịch UBND phường Láng Thượng (quận Đống Đa) Đoàn Thị Hồng Thanh chia sẻ.