Phía dưới lòng sông xuất hiện những “chiếc vòi bạch tuộc” khổng lồ, cắm thẳng xuống sông Hồng để khai thác cát. Công nhân lao động hăng say, miệt mài, tiếng máy vang gầm một góc trời khi màn đêm buông xuống.
Theo tìm hiểu, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2020 quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông ghi rất rõ ràng tại Điều 9. Nội dung Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông: Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm.
Tuy nhiên, Báo Công lý nhận được thông tin của nhiều người dân phản ánh về tình trạng khai thác cát ngoài khung giờ quy định, khai thác sát chân bờ sông.
Theo phản ánh, tại địa bàn nêu trên gần đây xuất hiện nhiều tàu hút tự hành với công suất lớn liên tục khai thác cát ngay sát bãi bồi phía dưới chân đê sông Hồng khiến khu vực này có dấu hiệu bị sạt lở nghiêm trọng.
Qua nhiều ngày theo dõi, chúng tôi nắm bắt được quy luật hoạt động của nhóm người này cho thấy, các đối tượng khai thác cát cả ngày lẫn đêm.
Vào thời điểm 17h30 ngày 04/01/2023, tại khu vực nêu trên xuất hiện 1 tàu hút tự hành và 2,3 tàu neo đậu chờ hàng xung quanh đang hoạt động hết công suất, hút cát từ dưới lòng sông Hồng lên tàu chứa.
Sau khi mỗi tàu chở hàng được “ăn no” cát liền nổ máy xình xịch rời khỏi tàu hút nhường chỗ cho những tàu khác lại vào “ăn cát”. Công nhân lao động miệt mài, hăng say, tiếng máy vang gầm một khúc trời.
Theo quan sát, chỉ khoảng 30 - 45 phút là những chiếc vòi hút khổng lồ này hút cát từ lòng sông lên có thể lấp đầy một con tàu chứa đựng khoảng 300m3 cát.
Theo tiết lộ của một “đầu nậu” cát khu vực Hà Nội cho biết, mỗi chiếc tàu chở hàng trên chứa được khoảng 300 - 400m3 cát.
Cũng theo “đầu nậu” cát này cho biết thêm, trung bình giá mua cát tại điểm khai thác dao động khoảng 200 -300.000 đồng/m3. Theo ước tính, mỗi ngày nhóm người này thu lợi hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng là điều không có gì khó.
Quá trình PV ghi nhận tại hiện trường, dưới lòng sông, ngay sát chân bờ sông Hồng luôn xuất hiện “cảnh giới” dùng đèn pin soi rọi vào bờ để cảnh giác với những người lạ có mặt tại khu vực này.
Ánh sáng lập lòe, xen kẽ tiếng máy nổ xình xịch của tàu hút, tàu chở hàng ra vào tấp nập lấy hàng tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp cả một khúc trời dưới lòng sông Hồng.
Từ nhiều ngày nay, bên chân bờ sông Hồng đang oằn mình chống chọi với việc hút cát quá mức, dưới lòng sông là một màu nước bàng bạc, đục ngàu.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trên bờ sông khu vực khai thác của nhóm đối tượng này chủ yếu là trồng chuối. Hoạt động khai thác cát ngay sát chân bờ sông gây sạt lở nghiêm trọng.
Minh chứng là việc các điểm sạt lở này ăn sâu vào hàng chục mét và kéo dài hàng trăm mét. Những cây chuối đang đến mùa thu hoạch của bà con nông dân bỗng chốc “tan thành mây khói”, rơi xuống sông Hồng theo dòng nước cuốn đi.
Trong một diễn biến liên quan đến thông tin báo chí phản ánh về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng qua địa bàn huyện Đông Anh: UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 4170/UBND-TTĐT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Công an TP Hà Nội, UBND huyện Đông Anh về việc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng.
Theo đó, báo chí có phản ánh việc khai thác cát trên sông Hồng, gần khu vực cầu Thăng Long, gây bức xúc trong nhân dân.
Về việc này, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Đông Anh và các đơn vị có liên quan kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí phản ánh, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định pháp luật.
Xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân theo Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy "Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố", báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 14/12/2023.
Văn phòng UBND Thành phố có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.
Thời gian qua, việc kiểm tra, xử lý cát tặc được các cơ quan chức năng Hà Nội triển khai quyết liệt. Chỉ riêng từ đầu tháng 10/2023 đến nay, các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố cùng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã phát hiện, xử lý gần 10 vụ "cát tặc" trên sông Hồng và sông Đà đoạn chảy qua địa phận Hà Nội và các tỉnh giáp ranh Phú Thọ, Vĩnh Phúc…