Cơ quan chức năng quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) nêu tên nhiều hạng mục công trình trên địa bàn có vi phạm về công tác phòng cháy chữa cháy, đáng nói có nhiều trường học, nhà sách, bến xe…
Nhiều hạng mục trường học vi phạm phòng cháy chữa cháy
UBND quận Hoàng Mai vừa công bố danh sách hạng mục công trình có vi phạm phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn. Trong danh sách 146 hạng mục công trình có vi phạm về PCCC và hình thức xử lý có nhiều doanh nghiệp, chung cư, trường học.
Trường Tiểu học Quốc tế Thăng Long (Khu đô thị Bắc Linh Đàm, phường Đại Kim) khi chưa lắp đặt hệ thống báo cháy tự động cục khối nhà dạy học A, B, C. Được biết, trường tiểu học quốc tế Thăng Long nằm trong dự án Trường liên cấp quốc tế Thăng Long và thuộc hệ thống giáo dục Bill Gates Schools.
Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa (số 1118 Nguyễn Khoái, phường Thanh Trì) chưa trang bị hệ thống báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong và ngoài công trình. Bên cạnh đó tại ngôi trường này thì hệ thống điện chưa đảm bảo theo quy định.
Trường Trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội (số 767 Nguyễn Khoái, phường Thanh Trì) chưa trang bị hệ thống báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong và ngoài công trình, hệ thống điện chưa đảm bảo theo quy định.
Trường THPT Hoàng Văn Thụ (số 234 đường Lĩnh Nam) và Trường THCS Lĩnh Nam (ngõ 643 đường Lĩnh Nam) đều chưa lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố exit và hệ thống chữa cháy vách tường không hoạt động. Ngoài ra hệ thống chống sét chưa được kiểm tra định kỳ hàng năm.
Nhà sách Tiến Thọ (số 695, 697 Giải Phóng, phường Giáp Bát) chưa có cầu thang thoát nạn thứ hai, khung kết cấu thép tiền chế, mái lợp tôn, tường gạch đặc.
Trường THCS Giáp Bát (số 35 ngoc 19 phố Kim Đồng) và Trường Tiểu học Giáp Bát (số 120 đường Giáp Bát) thuộc phường Giáp Bát đều chưa trang bị hệ thống chữa cháy trong và ngoài nhà cháy, chưa trang bị hệ thống báo cháy tự động, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn.
Trường THPT Mai Hắc Đế (lô 02- 10A khu công nghiệp Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ) và Trường Đại học Công nghiệp và Quản lý Hữu Nghị (lô 01 - 04 khu công nghiệp Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ) đều vi phạm thay đổi công năng sử dụng, giải pháp ngăn cháy lan trục thông tầng không đảm bảo và trang bị chưa đầy đủ hệ thống báo cháy, chữa cháy.
Trường Mầm non Bình Minh cơ sở 1 (số 10 ngõ 92 đường Giáp Bát, phường Giáp Bát) có chiều rộng không đảm bảo 3,5m, chưa có cầu thang thoát nạn thứ hai và hệ thống chữa cháy trong và ngoài nhà, chưa trang bị hệ thông báo cháy tự động; chưa trang bị hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn và chưa lắp đặt hệ thống chống sét theo quy định....
Trường Đại học Thăng Long (đường Nghiêm Xuân Yêm, Đại Kim), cải tạo tầng 10 và tầng 8 khối nhà dạy học không có giấy phép. Bố trí nhà để xe trên đường giao thông nội bộ. Thang bộ hở trong nhà chưa được đóng kín, chưa lắp đặt hệ thống tăng áp buồng thang bộ.
Hai bến xe lớn vi phạm, Bến xe Nước Ngầm là bến xe xã hội hoá trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển ngành nước & Môi trường (WEDICO) có diện tích 10.300 m2. Năm 2006, Sở Giao thông vận tải Hà Nội công bố công suất thiết kế của bến là 350 lượt xe/ngày. Đến tháng 3/2014, UBND thành phố Hà Nội đã cho phép bến xe Nước Ngầm mở rộng lên tổng diện tích là 17.800m2, có thể phục vụ tối thiểu khoảng 800 lượt xe/ngày...
Theo UBND quận Hoàng Mai, Bến xe Nước Ngầm không trang bị hệ thống báo cháy tự động, không trang bị hệ thống chữa cháy bằng nước đảm bảo theo quy định.
Tương tự, tại Bến xe Giáp Bát tọa lạc trên trục đường Giải Phóng tại km6 (quận Hoàng Mai Hà Nội), bến xe thuộc quản lý Công ty Cổ phần bến xe Hà Nội, bắt đầu hoạt động từ năm 1989 với hệ thống phòng vé, khu vực nhà chờ, bãi xe, nhà vệ sinh, khu ăn uống,... rộng tới 37000m2.
Với diện tích rộng lớn, bến xe Giáp Bát là nơi có hệ thống sân bãi, nhà chờ. Theo quy hoạch của thành phố Hà Nội, hiện nay bến xe Giáp Bát chủ yếu là nơi đón, trả khách giữa Hà Nội và các tỉnh miền Trung, miền Nam như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk,…
Theo danh sách các đơn vị vi phạm về PCCC, Bến xe Giáp Bát chưa trang bị hệ thống chữa cháy trong và ngoài nhà, chưa trang bị hệ thống báo cháy tự động, chưa trang bị hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn.
Trước đó, UBND quận Hoàng Mai đã tổ chức Hội nghị triển khai triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCCC&CNCH trên địa bàn quận. Tại hội nghị, các đơn vị đã nhìn nhận nghiêm túc vào thẳng những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó, chỉ ra các khó khăn, vướng mắc, các giải pháp, biện pháp và đã phân công rõ trách nhiệm thực hiện của từng đơn vị liên quan, đồng thời đưa ra thời hạn hoàn thành. Một số đơn vị được phát biểu tham luận cũng đã nêu ra những bài học kinh nghiệm, cách làm hay cũng như những vấn đề nổi cộm, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, phân tích làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đề xuất các giải pháp, biện pháp thực hiện và cam kết thời hạn hoàn thành các nội dung trong thời gian tới.
Đầu tháng 1/2024, Văn phòng UBND TP Hà Nội thông tin, UBND TP Hà Nội vừa có chương trình về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.
Theo đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCCC và CNCH; khắc phục những tồn tại, hạn chế thiếu sót trong công tác này, thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải thực sự trăn trở, trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ.
Đặc biệt là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH và các lĩnh vực có liên quan mật thiết đến công tác PCCC và CNCH; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH; nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, CNCH.