Góp ý Dự thảo Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Nguyên Anh| 23/06/2022 13:25

Sáng 22/6, TANDTC tổ chức Hội thảo khoa học góp ý đối với Dự thảo Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Hội thảo khoa học góp ý đối với Dự thảo Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam
đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Du, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ biên tập, các đồng chí thành viên Hội đồng Thẩm phán; các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý trong và ngoài hệ thống TAND; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành hữu quan ở Trung ương.

Bản chất Tòa án điện tử là chuyển một phần hoạt động của Tòa án từ không gian thực lên không gian số, trong đó, cốt lõi là việc tiến hành trên nền tảng số một số hoạt động: Quản trị nội bộ Tòa án; công khai hoạt động của Tòa án; cung ứng cho người dân các dịch vụ tư pháp công; hỗ trợ các tiện ích nâng cao hiệu quả hoạt động của các chức danh tư pháp; kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu của các nền tảng số quốc gia; đặc biệt là tiến hành các hoạt động tố tụng điện tử.

Tòa án điện tử giúp người dân được thụ hưởng một nền tư pháp văn minh, hiện đại, các hoạt động tố tụng và phán quyết của Tòa án được công khai minh bạch để người dân tiếp cận thông tin và giám sát hoạt động tư pháp; bảo đảm tư pháp không chậm trễ; tạo cơ chế, môi trường thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức giải quyết công việc liên quan mà không cần phải đến Tòa án trực tiếp và do đó tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân; góp phần ngăn chặn, hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực.

Để thực hiện được mục tiêu xây dựng Tòa án điện tử, Đề án đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, hình thành hạ tầng pháp lý cho Tòa án điện tử; Đầu tư trang thiết bị cho Tòa án nhân dân; Thực thi và nâng cao năng lực quản trị Tòa án trên nền tảng số; Thực hiện cung cấp các dịch vụ tư pháp công trên nền tảng số để phục vụ người dân tốt hơn; Ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong hoạt động của Tòa án hỗ trợ Thẩm phán nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động; Triển khai các hoạt động tố tụng trực tuyến; Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án; Tiến hành kết nối với các nền tảng số khác; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ban Chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, TANDTC đã xây dựng Đề án “Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, và xây dựng Tòa án điện tử là một trong những nội dung quan trọng của Đề án.

Trong thời gian qua, để chuẩn bị từng bước xây dựng Tòa án điện tử, TAND đã khẩn trương, tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bằng các hoạt động, chương trình cụ thể, như: Công khai các bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng Thông tin điện tử; xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Tư liệu - Thư viện, Trung tâm Giám sát, điều hành hoạt động TAND, Phần mềm Trợ lý ảo, Hệ thống xét xử trực tuyến…

Để Hội thảo đạt được yêu cầu, mục đích đề ra, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị các đại biểu tích cực tham gia ý kiến, tập trung trao đổi, thảo luận vào những vấn đề có tính chất căn bản, cốt lõi của dự thảo Đề án.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, những nội dung lớn, quan trọng và hữu ích đối với việc xây dựng Tòa án điện tử, như: Vai trò của Tòa án điện tử trong chiến lược xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số; Giải pháp Tòa án điện tử trong chuyển đổi số; Những thách thức đối với Tòa án điện tử nhìn từ yêu cầu đảm bảo sự thân thiện, hiệu quả trong tiếp cận công lý, thúc đẩy độc lập tư pháp; Chuyển đổi số hoạt động tố tụng và đề xuất mô hình tố tụng điện tử cho Tòa án điện tử ở Việt Nam; Trợ lý ảo-công cụ đắc lực phục vụ cho hoạt động của Tòa án điện tử… đã được các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận.

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án yêu cầu Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp, nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện Đề án đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý Dự thảo Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO