Các đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu; cách tính lương hưu; việc điều chỉnh trợ cấp hàng tháng...
Phát biểu tại phiên thảo luận chiều nay (27/5), đại biểu Võ Mạnh Sơn quan tâm đến quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn 15 năm. Nếu phương án này được thông qua sẽ có một nhóm người lao động tham gia bảo hiểm xã hội muộn. Như vậy, khoảng 45 - 47 tuổi mới tham gia hoặc những người tham gia không liên tục nhưng khi tới tuổi nghỉ hưu vẫn chưa tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.
Định kỳ mức lương hưu sẽ được nhà nước điều chỉnh, đồng thời trong thời gian hưởng lương sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội mua bảo hiểm y tế.
Do vậy, đại biểu cho rằng, cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng với mức lương hàng tháng ổn định, định kỳ được nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế, sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già cho người lao động.
Về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu cho rằng phương án 2 như dự thảo luật rất nhân văn, với mục tiêu đảm bảo cho người tham gia có cơ hội tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đến tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, hiện nay người lao động còn đang rất băn khoăn, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Để đảm bảo luật đi vào cuộc sống, tránh tình trạng có nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu cho rằng nên thực hiện theo phương án 1.
Nhiệm vụ của các cấp các ngành có liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, không nên dùng các quy định của pháp luật để bắt buộc khi người lao động còn băn khoăn.
Về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị cần có các mức số tiền khác nhau về hành vi chậm đóng bảo hiểm, trốn đóng bảo hiểm, không nên quy định mức giống nhau như dự thảo luật.
Đồng thời, cần xác định làm rõ việc nộp số tiền này có đồng nghĩa với việc nộp phạt hành vi vi phạm hay không để tránh trùng lặp với các biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Cần phân hóa các mức xử phạt vi phạm hành chính khác nhau giữa chậm đóng, trốn đóng do tính chất và mức độ vi phạm giữa chậm đóng và trốn đóng là khác nhau…