Đời sống

Gắn trách nhiệm trong đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Hải Long 04/04/2024 - 15:07

Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Sau 10 năm thực hiện Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, thị trường xăng dầu cơ bản được vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, giá xăng dầu tại thị trường trong nước vận hành theo xu hướng giá xăng dầu thế giới; hệ thống phân phối xăng dầu được mở rộng với nhiều đối tượng tham gia, bước đầu tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường; nguồn cung xăng dầu cho thị trường nhìn tổng thể đã được bảo đảm cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước…

Thêm vào đó, tình hình an ninh năng lượng trên thế giới cũng như của Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều bởi các xung đột trên thế giới như xung đột giữa Nga - Ukraine, xung đột tại khu vực Trung Đông… dẫn tới giá dầu trên thị trường thế giới diễn biến phức tạp, khó đoán định, nguồn cung trở nên khan hiếm, chi phí vận tải biến động tăng cao… Vì vậy, nhiều quy định về kinh doanh xăng dầu cần phải xem xét, sửa đổi, bổ sung/thay thế để đáp ứng với thực tiễn hiện nay cũng như trong tương lai.

Tính từ năm 2014 đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến kinh doanh xăng dầu được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung như Luật Quy hoạch, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Cạnh tranh, Luật Giá, Luật Bảo vệ môi trường,… dẫn tới căn cứ pháp lý, một số quy định điều hành thị trường xăng dầu cũng có nhiều thay đổi.

Công tác "số hóa" trong kinh doanh xăng dầu mặc dù đã được một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu triển khai thực hiện nhưng chưa đáp ứng theo xu hướng của cuộc cách mạng 4.0. Do đó, cần thúc đẩy thương nhân kinh doanh xăng dầu "số hóa", một mặt nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, mặt khác giúp cơ quan quản lý nhà nước điều hành thị trường xăng dầu được tốt hơn.

xang-dau.png

Hiện nay, giá xăng dầu là mức giá tối đa do Nhà nước công bố định kỳ dựa trên công thức giá xăng dầu cơ sở. Theo cơ chế này, Nhà nước ban hành tiêu chí, công thức tính giá, thông số tính toán giá, can thiệp quá sâu vào quyết định giá của doanh nghiệp.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu được sử dụng thường xuyên, liên tục theo quy định hiện nay. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra, kiểm tra của Đảng có ý kiến về việc trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay được thực hiện thường xuyên, liên tục, không có thời gian cụ thể là chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá.

Do đó, cần có cơ chế mới thay cho cơ chế điều hành giá hiện nay và cơ chế này cần được thể hiện công khai, minh bạch để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo được và quyết định tự công bố giá theo quy định của pháp luật. Đây cũng là cơ chế điều hành nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đang áp dụng.

Nghị định về kinh doanh xăng dầu đã có nhiều lần sửa đổi, bổ sung nên cũng cần hợp nhất lại thành một Nghị định cùng với các nội dung mới để doanh nghiệp, người dân và các cơ quan điều hành thuận lợi trong việc nghiên cứu và thực thi. Vì vậy, từ những nội dung trên, việc nghiên cứu, ban hành một Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế cho các Nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện hành (Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Nghị định số 80/2023/NĐ-CP) là cần thiết.

Dự thảo Nghị định được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Cùng với đó, giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp; xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; kế thừa những quy định của cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện hành và bổ sung mới các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn kinh doanh xăng dầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn trách nhiệm trong đảm bảo nguồn cung xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO