Năm 2023, thị trường lao động ngoài nước ghi nhận những tín hiệu tích cực. Nhu cầu tiếp nhận lao động và nhu cầu của người lao động đều gia tăng, quan hệ hợp tác với các đối tác ngày càng phát triển.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023 là 159.986 lao động, đạt 133,3 % kế hoạch. Trong số này có 55.804 nữ, chiếm tỷ lệ gần 35%. Vượt mục tiêu trước đó đề ra ( mục tiêu đặt ra trong năm 2023 là đưa từ 110 nghìn đến 120 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài).
Trong đó, Nhật Bản vẫn là thị trường hàng đầu tiếp nhận lao động Việt Nam, với hơn 80 nghìn người. Vị trí tiếp theo là một số thị trường chính thu hút nhiều lao động Việt sang làm việc như: Đài Loan (Trung Quốc): 58.620 lao động; Hàn Quốc: 11.626 lao động; Trung Quốc: 1.806 lao động…
Năm 2023, Việt Nam đã phái cử được 11.490 người lao động đi làm việc tại các thị trường, tăng 14% so với năm 2022, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, đã đưa được 10.900 người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; phái cử được 530 thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo Chương trình IM Japan; 26 người lao động xuất cảnh sang làm việc tại CHLB Đức theo Chương trình Hand in Hand for International Talents.
Triển khai hoàn thiện hồ sơ và tổ chức xuất cảnh cho 27 lao động đi làm việc tại Đài Loan theo Chương trình tuyển mộ trực tiếp; phái cử được 7 thực tập sinh đi làm việc tại các cơ sở chăm sóc y tế tại Nhật Bản theo Chương trình hộ lý Osaka.
Nhìn chung, năm 2023 thị trường lao động ngoài nước ghi nhận những tín hiệu tích cực. Nhu cầu tiếp nhận lao động và nhu cầu của người lao động đều gia tăng, quan hệ hợp tác với các đối tác ngày càng phát triển.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, việc thúc đẩy đàm phán mở rộng ngành nghề, thị trường tiếp nhận lao động với các đối tác Hàn Quốc, CHLB Đức, Úc để mở rộng thị trường cho những năm tới; phối hợp tổ chức thành công ngày hội lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và Diễn đàn hợp tác lao động Việt – Nhật tại Nhật Bản;
Mở rộng địa điểm đào tạo giáo dục định hướng theo khu vục để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, trong đó lần đầu tiên tổ chức khóa giáo dục định hướng cho người lao động tham gia Chương trình EPS tại đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng được mạng lưới người lao động về nước lập nghiệp thành công.
Tới đây, trong năm 2024, mục tiêu đặt ra là đưa 125 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Định hướng là tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định; ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Đồng thời, hoàn thiện, thúc đẩy ký kết cũng như sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận, bản ghi nhớ về hợp tác lao động; đẩy mạnh công tác gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp dịch vụ để đào tạo, chuẩn bị nguồn và nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cùng với đó, tiếp tục phối hợp các cơ quan truyền thông, báo chí, cơ quan hữu quan và địa phương tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…