Trao đổi nghiệp vụ

Dự thảo quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự

B.D 03/07/2023 - 10:54

Dự thảo Thông tư này quy định chi tiết về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự (TAQS), bao gồm thẩm quyền xét xử theo đối tượng, thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ, thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAQS các cấp, thẩm quyền xét xử của TAQS trong địa bàn thiết quân luật.

taqs-1-.jpg
Ảnh minh họa

Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết về thẩm quyền xét xử của TAQS.

Dự thảo Thông tư này quy định chi tiết về thẩm quyền xét xử của TAQS, bao gồm thẩm quyền xét xử theo đối tượng, thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ, thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAQS các cấp, thẩm quyền xét xử của TAQS trong địa bàn thiết quân luật.

Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo lãnh thổ

Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ quy định tại Điều 269 của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với các TAQS được thực hiện như sau:

Vụ án xảy ra trên địa bàn của TAQS nào thì thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS đó. Việc phân định địa bàn trong Quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của TAQS theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Người phạm tội thuộc đơn vị của Quân chủng Hải quân thì thuộc thẩm quyền xét xử của các TAQS thuộc Quân chủng Hải quân không phụ thuộc vào nơi thực hiện tội phạm. Trường hợp người phạm tội là người theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 của Bộ luật Tố tụng hình sự mà tội phạm của họ gây thiệt hại cho Quân chủng Hải quân hoặc tội phạm xảy ra trong doanh trại hoặc khu vực quân sự do Quân chủng Hải quân quản lý, bảo vệ cũng thuộc thẩm quyền xét xử của các TAQS thuộc Quân chủng Hải quân.

Trường hợp không xác định được nơi thực hiện tội phạm hoặc trường hợp có nhiều TAQS khác nhau có thẩm quyền xét xử do trong vụ án có nhiều người phạm tội thuộc nhiều đơn vị khác nhau, hoặc do người phạm tội thực hiện tội phạm ở nhiều nơi thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra.

Trường hợp bị cáo là đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS phạm tội ở nước ngoài, nếu xét xử ở Việt Nam thì do TAQS Thủ đô Hà Nội hoặc TAQS Quân khu 7 xét xử theo quyết định của Chánh án TAQS Trung ương.

Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án quân sự các cấp

TAQS khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về các tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự mà đối tượng khi phạm tội hoặc khi bị khởi tố có cấp bậc quân hàm từ Trung tá trở xuống hoặc giữ chức vụ theo quy định có cấp bậc quân hàm cao nhất từ Trung tá trở xuống.

TAQS quân khu và tương đương có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về:

a. Các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;

c. Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;

d. Các tội quy định tại các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật Hình sự;

đ. Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

e. Các tội phạm mà đối tượng là người khi phạm tội hoặc khi bị khởi tố có cấp bậc quân hàm từ Thượng tá trở lên hoặc giữ chức vụ theo quy định có cấp bậc quân hàm cao nhất từ Thượng tá trở lên.

g. Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài.

h. Các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định thẩm quyền xét xử theo đối tượng.

TANDTC đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử TANDTC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO