Theo hồ sơ giao đất để triển khai dự án cụm Công nghiệp Quốc phòng tại thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên), diện tích đất là 212,9 ha thuộc hai xã Phúc Thuận và Bắc Sơn. Đáng nói, diện tích thực tế lại thiếu hụt so với diện tích theo hồ sơ dự án tới gần một trăm nghìn m2 đất.
Nhận giao đất gần 10 năm mới biết thiếu
Theo thông tin Báo Công lý & Xã hội nhận được, từ năm 2009 chủ đầu tư dự án Công nghiệp Quốc phòng là Nhà máy Z131 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã được giao đất nhưng đến năm 2018, đơn vị này mới kiểm đếm lại diện tích được giao tại thị xã Phổ Yên thì bất ngờ phát hiện diện tích thực tế bị thiếu khoảng 9 ha (tương đương 90.000 m2) so với quyết định giao đất của UBND tỉnh Thái Nguyên và huyện Phổ Yên. Phần diện tích bị nghi ngờ thiếu hụt này hiện do 22 hộ dân xóm Coong Lẹng, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên đang canh tác.
Đại diện Nhà máy Z131 có trao đổi trực tiếp với 1 số hộ dân và đưa ra danh sách tên những người đã ký nhận tiền đền bù, hỗ trợ từ những năm trước đây thì người dân phát hiện có tên một số người không phải là người địa phương.
Để chứng minh quyền sử dụng đất thuộc về mình, người dân đã xuất trình các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) do chính quyền cấp, sau đó các hộ dân xóm Coong Lẹng đã đồng loạt ký đơn tố cáo những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc bồi thường GPMB đối với hơn 9 ha đất này. Vậy từ đâu để xảy ra tình trạng này?
Những GCN QSD đất do người dân đang lưu giữ để chứng minh đất nằm ngoài dự án
Theo tài liệu phóng viên có được, năm 2005, Bộ Tổng Tham mưu có quyết định số 384/QĐ-TM về việc phê duyệt vị trí Cụm công nghiệp Quốc phòng trên địa bàn huyện Phổ Yên (nay là thị xã Phổ Yên-PV). Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định số 1808/QĐ-UBND ngày 30/8/2006 về việc thu hồi hơn 212,9 ha đất tại 2 xã Bắc Sơn và Phúc Thuận để giao cho Nhà máy Z131 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - Bộ Quốc phòng triển khai dự án Cụm công nghiệp Quốc phòng.
Tổ công tác đền bù GPMB với thành phần gồm đại diện Nhà máy Z131, UBND huyện Phổ Yên, UBND xã Phúc Thuận, UBND xã Bắc Sơn (gọi tắt là tổ công tác đền bù GPMB- PV) đã lập phương án đền bù hỗ trợ GPMB, phương án này đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt theo quyết định số 1372/QĐ-UBND và quyết định số 1373/QĐ-UBND ngày 12/7/2007 với tổng kinh phí là 95,4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Bộ Quốc phòng, trong đó kinh phí bồi thường hỗ trợ thu hồi đất là 92,2 tỷ đồng. Theo UBND thị xã Phổ Yên, toàn bộ kinh phí bồi thường hỗ trợ đã được nhà máy Z131 thực hiện thanh toán, chi trả trong các năm 2008, 2009 cho các hộ dân theo hồ sơ bồi thường GPMB được phê duyệt.
Toàn bộ 92,2 tỷ đồng đã được xuất ra trong các năm 2008-2009 nhưng đến nay, sau khoảng chục năm không rõ tiền hỗ trợ bồi thường để GPMB đã đến tay ai, bởi lẽ một số người dân có đất trong diện tích bị thu hồi đến nay vẫn chưa nhận được số tiền này.
Cắm mốc vào cả đất có sổ đỏ?
PV đã gặp bà Lê Thị Mền - người có đơn tố cáo gửi đến báo Công lý & Xã hội, bà Mền cho biết, gia đình bà đã cư trú và quản lý sử dụng một số thửa đất tại xóm Coong Lẹng từ hàng chục năm nay. Tới năm 2008-2009 nhà máy Z131 được giao đất để làm dự án quốc phòng, đã cắm mốc giới bằng bê tông, nhưng không liên quan gì đến đất của gia đình bà đang quản lý sử dụng hiện nay. Không hiểu tại sao, cuối năm 2019 nhà máy Z131 đã đột ngột cắm lại mốc giới vào phần đất của gia đình bà, kể cả thửa đất số 439 có diện tích 488 m2 thuộc tờ bản đồ số 48 mà bà mới được Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thái Nguyên cấp GCNQSDĐ ngày 09/11/2018.
Ông Cao Văn Thắng - hàng xóm của bà Mền chia sẻ: Gia đình ông sinh sống và quản lý sử dụng khu đất 17.500 m2 này hàng chục năm, đã được UBND huyện Phổ Yên cấp GCNQSDĐ năm 1999. Khi triển khai việc thu hồi đất để giao cho nhà máy Z131 năm 2009, gia đình ông bị thu hồi 2.000 m2, có nhận tiền bồi thường hỗ trợ đối với 2.000 m2 đất bị thu hồi, phần đất còn lại là 15.500 m2 gia đình ông vẫn quản lý sử dụng không tranh chấp từ đó đến nay. Bỗng nhiên ngày 29/11/2019 ông được cán bộ nhà máy thông báo toàn bộ 15.500 m2 còn lại của ông là đất của nhà máy Z131.
Ông Cao Văn Thắng chỉ tay vào khu đất của gia đình bị coi là đất của dự án
Trở lại vấn đề được giao đất, theo báo cáo số 25/BC-UBND ngày 16/3/2020 của UBND thị xã Phổ Yên, năm 2009 công tác GPMB cơ bản đã hoàn thành, toàn bộ phạm vi đất đai, ranh giới đất đã được bàn giao cho nhà máy Z131, sau đó nhà máy Z131 đã xây dựng tường rào bảo vệ tại một số vị trí để phục vụ công tác quản lý đất đai. Báo cáo này nêu rõ “trong suốt thời gian từ khi thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiếp nhận đất đai để quản lý đến nay không xảy ra việc tranh chấp đất đai giữa nhà máy Z131 và nhân dân địa phương”.
Năm 2018 nhà máy Z131 đã thuê công ty CP trắc địa và xây dựng Thăng Long đo đạc để làm thủ tục đề nghị cấp GCNQSDĐ, việc đo đạc được thực hiện trên nền bản đồ đo đạc phục công tác thu hồi, bồi thường, GPMB của công ty TNHH Đo đạc và Bản đồ Thái Đô (công ty Thái Đô) lập năm 2006, được sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thái Nguyên phê duyệt thì phát hiện có sự sai khác về ranh giới do nhà máy Z131 xác định năm 2011 và ranh giới theo bản đồ công ty Thái Đô lập năm 2006, đây là nguyên nhân diện tích đất dự án bị thiếu hụt so với diện tích được giao theo quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên.
Đáng nói, theo tài liệu PV có được, bản đồ phục vụ thu hồi đất năm 2006 có dấu hiệu bị làm sai lệch so với bản đồ trích lục do Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phổ Yên lập năm 2005. Cụ thể là, bản đồ phục vụ thu hồi đất đã chèn thêm 3 thửa đất số 1672c, 1674b, 1676b vào trong phạm vi mốc giải phóng mặt bằng với tổng diện tích là 18.035 m2; có 8 thửa đất ngoài mốc giải phóng mặt bằng gồm thửa số 1698, 1671g,1672b, 1680c, 1682c,1698a, 1662c, 633b với tổng diện tích là 29.563 m2; diện tích thửa đất số 633a được tăng thêm 4930 m2; thửa số 1682a, 1682b trong ranh giới dự án nhưng nhà máy Z131 chưa cắm mốc giới.
Bên cạnh đó, người dân còn tố cáo, trong danh sách ký nhận tiền hỗ trợ bồi thường khi bị thu hồi đất năm 2008-2009 có tên 3 người không phải là người địa phương, từ đó đặt nghi vấn những người này có liên quan đến một cán bộ của nhà máy Z131. Bởi theo người dân vào ngày sát tết Nguyên đán Canh tý 2020, một người đã cùng cán bộ UBND xã Phúc Thuận đến nhà ông Cao Văn Thắng ở xóm Coong Lẹng để xin lỗi và đề nghị được mua lại những thửa đất nằm trong dự án mà người dân chưa nhận được tiền bồi thường hỗ trợ.
Để giữ lại quyền quản lý sử dụng đất, 22 hộ dân xóm Coong Lẹng và 3 hộ dân xóm 4 xã Phúc Thuận đã nhiều lần làm đơn tố cáo và đề nghị thanh tra lại việc thu hồi đất gửi đến Văn phòng Chính Phủ, Bộ Quốc Phòng, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, nhà máy Z131, UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND thị xã Phổ Yên, UBND xã Phúc Thuận để làm rõ việc tranh chấp đất và chi trả tiền bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất. Đáng nói, cho tới nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.