Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn triển khai chính cách cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn ngân hàng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02).
NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, cơ chế gia hạn nợ theo Thông tư 02 sẽ trực tiếp tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay gặp khó khăn về dòng tiền, thu nhập và doanh thu sụt giảm do phát sinh từ thị trường, tiêu thụ sản phẩm và trong hoạt động sản xuất kinh doanh...
Các khách hàng của ngân hàng được gia hạn nợ, giãn nợ mà không bị chuyển nhóm nợ, giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ vay mà vẫn tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển.
Theo đó, NHNN chi nhánh TP.HCM đôn đốc các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình nội bộ, hội sở tập huấn cho các đơn vị trong mạng lưới để tư vấn, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng đủ điều kiện được gia hạn nợ theo Thông tư 02 của NHNN.
Đồng thời, các TCTD đẩy mạnh truyền thông các chủ trương điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng để người dân và cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt được thông tin.
Trong quá trình triển khai chính sách gia hạn nợ cho doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng nếu gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách và các quy định của NHNN, phản ánh về NHNN chi nhánh TP.HCM.
Trước đó ngày 25/4, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng vay vốn. Việc cơ cấu thời gian trả nợ cho khách hàng được thực hiện từ thời điểm này và kéo dài đến giữa năm 2024.
Theo quy định tại Thông tư 02, các TCTD phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư 02 cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các TCTD trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.
Theo các ngân hàng, Thông tư 02 đối với các khách hàng vay vốn, kể cả mục đích sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng đều được hưởng lợi. Về phía TCTD cũng đã có kinh nghiệm triển khai chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Do vậy, mỗi ngân hàng sẽ căn cứ vào điều kiện tài chính của ngân hàng và hồ sơ của khách hàng để thực hiện chính sách này, đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Đối với các TCTD, vẫn phải chuẩn bị các kịch bản liên quan đến đánh giá chất lượng tín dụng, tuân thủ quy định về trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Trên cơ sở đó, các TCTD có thể tiết giảm chi phí, mặt khác tạo định hướng giảm dần lãi suất trên thị trường. Hiện nay, lãi suất cho vay mới phát sinh đối với nền kinh tế đã giảm 0,6% so với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.