Nhiều cá nhân có nguyện vọng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có được không? Nếu được thì mức đóng, thời gian đóng, thủ tục như thế nào và liên hệ cơ quan nào?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết:
Về đối tượng tham gia, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Về mức đóng BHXH tự nguyện, mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn; mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Về phương thức đóng, người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
- Đóng hằng tháng;
- Đóng 3 tháng một lần;
- Đóng 6 tháng một lần;
- Đóng 12 tháng một lần;
- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;
- Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Về quyền lợi, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng các chế độ: Chế độ hưu trí; BHXH một lần; chế độ tử tuất.
Về thủ tục đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia lập Tờ khai tham gia theo mẫu quy định (Mẫu TK1-TS) tại trụ sở cơ quan BHXH tỉnh, huyện; các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT; Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam.
Đối chiếu quy định nêu trên, cá nhân nếu không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Đề nghị các cá nhân có mong muốn đóng BHXH tự nguyện liên hệ với cơ quan BHXH hoặc Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT nơi gần nhất để được hướng dẫn thực hiện theo quy định.