Y tế

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn 

Bạch Dương 03/06/2023 07:21

Chỉ trong tháng 5, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than thể da với 13 trường hợp mắc, đều có tiền sử liên quan đến giết mổ và ăn thịt trâu, bò. Trước tình hình này, ngày 2/6, Bộ Y tế có công văn chỉ đạo khẩn.

benhthan-16856984901751522144087.jpg
Bệnh than lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc với xác động vật chết do mắc bệnh than

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, từ ngày 5 đến ngày 30/5, trên địa bàn huyện Tủa Chùa ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than thể da với 13 trường hợp mắc tại xã Mường Báng (1 ổ dịch), xã Xá Nhè (2 ổ dịch), chưa ghi nhận ca tử vong.

Tất cả các trường hợp mắc đều có tiền sử dịch tễ liên quan đến giết mổ và ăn thịt trâu, bò.

Để chủ động phòng chống lây nhiễm bệnh than từ động vật sang người, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Điện Biên chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn khẩn trương theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của những người tham gia giết mổ và sử dụng cùng nguồn thịt trâu bò với các trường hợp mắc trên và những người tiếp xúc gần với với ca bệnh, nhằm dự phòng và điều trị kịp thời.

Đồng thời, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh than, xử lý môi trường tại khu vực ổ dịch theo quy định.

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế tỉnh Điện Biên tăng cường phối hợp với cơ quan thú y và các ban, ngành liên quan trong việc giám sát phát hiện bệnh than trên động vật, để có các biện pháp dự phòng kịp thời trên người; phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch than trên động vật.

Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh than từ động vật sang người, đặc biệt chú ý những khu vực có nguy cơ cao và những người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ trâu, bò; khuyến cáo người dân không giết mổ và sử dụng thực phẩm từ trâu, bò, ngựa ốm chết, không rõ nguồn gốc.

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ địa phương thực hiện điều tra, giám sát và theo dõi các trường hợp nghi nhiễm, các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh; xử lý ổ dịch theo quy định; hướng dẫn và hỗ trợ địa phương xét nghiệm khẳng định các mẫu bệnh phẩm từ các ca nghi nhiễm trên người; xem xét tập huấn nâng cao năng lực cho địa phương trong giám sát, phát hiện, điều tra và xử lý ổ dịch than trên người cũng như hướng dẫn phối hợp với ngành thú y.

Bệnh than hay còn gọi là bệnh nhiệt than thuộc nhóm các bệnh truyền nhiễm. Vi khuẩn gây bệnh than thường tồn tại trong điều kiện tự nhiên, trong đất hoặc ký sinh trên các loại động vật nuôi, động vật hoang dã.

Bệnh than lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc với xác động vật chết do mắc bệnh than. Con người mắc bệnh do hít phải bào tử vi khuẩn than, ăn thịt động vật bị nhiễm khuẩn than.

Để phòng, chống bệnh than, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh như: Không được tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh; những người lao động thường xuyên tiếp xúc với gia súc phải trang bị ủng, găng tay, quần áo dài tay để phòng vệ; khi có vùng da bị hở do vết thương, da bị tổn thương nên tránh tiếp xúc với gia súc; vệ sinh tay chân cơ thể bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc với gia súc; khi thấy các biểu hiện nghi mắc bệnh than phải kịp thời đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên phát hiện 13 người mắc bệnh than, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO