Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Trong đó, Bộ Y tế đề xuất quy định gói BHYT bổ sung là BHYT tự nguyện, áp dụng cho những người đã tham gia BHYT bắt buộc...
Bộ Y tế cho biết, đối với người dân, trường hợp tham gia BHYT bổ sung, người bệnh được trả thêm các chi phí đồng chi trả, các chi phí ngoài phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT, các chi phí theo yêu cầu và các chi phí gia tăng khác. Quy định này hầu như không có tác động kinh tế tiêu cực đến người lao động, vì là chính sách tự nguyện, khi người bệnh có điều kiện kinh tế thì họ lựa chọn và quyết định việc tham gia.
Đối các cơ sở y tế, Bộ Y tế cho rằng, việc thực hiện các quyền lợi BHYT bổ sung giúp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nâng cao chất lượng, thu hút thêm người bệnh sử dụng các dịch vụ gia tăng, tạo thêm nguồn thu cho cơ sở để tái đầu tư phục vụ người bệnh. Vì vậy, việc xây dựng và vận hành cơ chế tài chính nhằm đảm bảo người bệnh được tiếp cận các dịch vụ y tế hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng đa dạng ở cả nhóm đại chúng và nhóm người có thu nhập trung bình khá trở lên đang dần trở thành mối quan tâm lớn.
Quy định việc tham gia BHYT bắt buộc do Nhà nước thực hiện là điều kiện để tham gia BHYT bổ sung tự nguyện sẽ có tác động tích cực đến doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
Tại báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tại Việt Nam có 2 hình thức BHYT bao gồm:
Thứ nhất, BHYT bắt buộc do Nhà nước thực hiện theo Luật BHYT mang tính xã hội không vì mục đích lợi nhuận và được Nhà nước tổ chức thực hiện theo Luật. Mọi người dân phải bắt buộc tham gia BHYT theo Luật BHYT. BHYT là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật BHYT.
Quỹ BHYT chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho đối tượng theo quy định của Luật BHYT, người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần ngoài mức hưởng và phạm vi được hưởng.
Thứ hai, bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm (thường được gọi là BHYT thương mại) mang tính kinh doanh, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm được thiết kế phù hợp với mọi mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm theo từng điều kiện và nhu cầu của người đó, mang tính tự nguyện và không mang tính bắt buộc như BHYT xã hội.
Theo Bộ Y tế, mặc dù có mức phí thường cao hơn so với BHYT bắt buộc nhưng bảo hiểm sức khỏe có nhiều lựa chọn cho người tham gia do đa dạng gói quyền lợi theo khả năng đóng. Tuy nhiên, các phạm vi quyền lợi thường bị trùng với phần BHYT bắt buộc đã chi trả hoặc công ty có xu hướng lựa chọn dịch vụ để chi trả, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia. Do Nhà nước không can thiệp mà phụ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm do công ty tự xây dựng nên người bệnh chưa được bảo vệ về quyền lợi toàn diện.
Mặc dù phạm vi quyền lợi của bảo hiểm y tế của Việt Nam được đánh giá là khá rộng với mức hưởng khá cao so với mức đóng. Tuy nhiên, trên thực tế người tham gia bảo hiểm y tế vẫn phải đồng chi trả đối với các dịch vụ thuộc phạm vi quyền lợi và phải chi trả toàn bộ đối với các dịch vụ ngoài phạm vi quyền lợi.
Nhìn chung, trong bối cảnh, thu nhập và nhu cầu được chăm sóc toàn diện của người dân tăng thì việc quy định bảo hiểm y tế bổ sung là rất cần thiết, đại diện Bộ Y tế khẳng định.