Những năm gần đây, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Kiên Giang thực hiện đầu tư công với nhiều gói thầu lớn, có giá trị từ một vài tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tại gói thầu này, các trang thiết bị trúng thầu được cung cấp cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang và một số đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh đang có “dấu hiệu” bị đội giá. Cụ thể, tại gói thầu số 61: Cung cấp và lắp đặt thiết bị tim mạch + thăm dò chức năng + nội soi chẩn đoán (phần 1: Thiết bị nội soi chẩn đoán; phần 2: Thiết bị chụp mạch số hóa xóa nền; phần 3: Thiết bị chuyên ngành) thuộc dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang vào ngày 22/3/2019, ông Trần Ngọc Tính, Giám đốc Ban Quản lý Dự án chuyên ngành Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Kiên Giang (Ban QLDA Dân dụng và Công nghiệp) (nay là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang) ký Quyết định 35/QĐ-BQL về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Tại gói thầu này một số trang thiết bị có giá cao bất thường.
Cụ thể, ở gói thầu thiết bị chụp mạch số hóa xóa nền, Công ty CP Armephaco trúng thầu với giá 63.450.000.000 đồng. Gói thầu này, có một số mặt hàng có dấu hiệu “đội giá” như: Hệ thống chụp mạch DSA 1 bình diện, chuyên dụng cho phòng Hybrid và các thiết bị phụ trợ (Hãng Sản xuất Siemens, xuất xứ Đức) có giá 36.200.000.000 đồng. Cũng hệ thống này, ngày 25/12/2020, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An mua với giá 18.680.000.000 đồng. Đơn vị cung cấp thiết bị là Công ty Cổ phần Đầu tư HDN (Hà Nội). Cùng một sản phẩm, công năng sử dụng tương đương nhau nhưng có sự chênh lệch gần 18 tỷ đồng.
Tương tự, hệ thống chụp mạch DSA 2 bình diện (hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền 2 bình diện và các thiết bị phụ trợ của hãng Siemens, xuất xứ Đức có giá 45.700.000.000 đồng. Cùng hệ thống này, năm 2022, Công ty Cổ phần Amerphaco trúng thầu và cung cấp cho Cục Y tế, Bộ Công an với giá 30.000.600.000 đồng; năm 2017, tại Quyết định 683/QĐ-HVQY, Học viện Quân y mua của Công ty TNHH XNK TBYT Đại Phát với giá 29.980.000.000 đồng. Khi so sánh giá, PV nhận thấy Kiên Giang mua cao hơn các đơn vị khác khoảng 15 tỷ đồng.
Đặc biệt, hệ thống CT với khoang máy trượt và các thiết bị phụ trợ (hệ thống CT scanner với ≥ 128 lát cắt/vòng quay - Hãng Siemens, xuất xứ Đức) có giá 47.170.000.000 đồng. Đối với thiết bị này, có nhiều đơn vị bệnh viện trên toàn quốc mua với giá khác nhau.
Cùng hệ thống thiết bị này, tháng 3/2020, Sở Y tế Hà Nam mua của Công ty TNHH MTV Thiết bị Y tế Hà Cao với giá 25.960.000.000 đồng. Tháng 6/2020, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM mua của Công ty CP Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo với giá 19.135.000.000 đồng. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phê duyệt giá 25.500.000.000 đồng do Liên danh Công ty TNHH Trang thiết bị y tế miền Tây - Công ty TNHH MTV Trang thiết bị y tế Toàn Thư trúng với giá 25.485.750.000 đồng. Theo đó, giá do Ban QLDA Dân dụng và Công nghiệp Kiên Giang mua sắm cao hơn các cơ sở y tế khác từ 15 - 20 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ban QLDA Dân dụng và Công nghiệp Kiên Giang còn tổ chức nhiều gói khác như: Gói thầu số 60: Cung cấp và lắp đặt thiết bị phòng mổ - hồi sức cấp cứu cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang theo số HSMT: 20190420127 phát hành ngày 12/04/2019 do Sở Y tế tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư. Ban QLDA Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Kiên Giang đấu thầu có giá gói thầu 308.411.800.000 đồng. Liên danh Công ty TNHH Dược phẩm Trang thiết bị Y tế T.D - Công ty CP Armephaco - Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thanh Phương trúng thầu với giá 307.339.000.000 đồng.
Tương tự, tại gói thầu số 59: Cung cấp và lắp đặt thiết bị chẩn đoán hình ảnh. Văn bản phê duyệt số 34/QĐ-BQL ngày 22/3/2019 do Liên danh Công ty Cổ phần Trang thiết bị và Công trình y tế - Công ty CP Xuất nhập khẩu Khoáng sản trúng thầu với giá 205.165.000.000 đồng; giá dự toán gói thầu 207.905.500.000 đồng.
Theo đó, giá kế hoạch không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã thực hiện hoặc giá trúng thầu đã công bố. Trường hợp cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể. Dư luận đặt câu hỏi, liệu việc xây dựng giá dự toán, thẩm định và phê duyệt giá dự toán đã thực sự đúng và đủ hay chưa? Trong quá trình lập dự toán gói thầu thì căn cứ để tham khảo mức giá sản phẩm thế nào?
Ông Trần Ngọc Tính, Giám đốc Ban Quản lý Dự án chuyên ngành Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Kiên Giang (nay là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang) ký quyết định phê duyệt gói thầu |
Theo thông tin PV tìm hiểu, trong một vài năm trở lại đây, Công ty Cổ phần Armephaco đã không còn là cái tên quá xa lạ, bởi Công ty còn liên quan đến việc mua sắm kít test Covid -19 vừa được Thanh Tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công bố.
Trong quá trình thanh tra phát hiện có dấu hiệu thông thầu đối với gói thầu mua sắm kit test phục vụ phòng, chống Covid-19 (đợt 5) do Công ty Armerphaco trúng thầu với giá 17,5 tỷ đồng.
Armephaco có địa chỉ trụ sở chính theo đăng ký kinh doanh tại số 118, phố Vũ Xuân Thiều, phường Phúc Lợi (Quận Long Biên, TP. Hà Nội). Người đại diện theo pháp luật của công ty là Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Dũng. Công ty Dược và Trang thiết bị y tế Quân đội (ARMEPHACO ) là đơn vị thuộc Tổng cục Hậu cần, được thành lập ngày 17 tháng 04 năm 1996 tại Quyết định số 470/QĐ-QP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trên cơ sở sáp nhập các Xí nghiệp thành viên đã được thành lập từ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Từ ngày 23 tháng 6 năm 2010, Công ty được chuyển đổi (CPH) thành Công ty Cổ phần Armephaco, là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, chuyên sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu thuộc lĩnh vực dược phẩm và trang thiết bị y tế.
Những năm gần đây, Công ty TNHH MTV 120 Armephaco (Cty thành viên tỷ lệ góp vốn 100% của Armephaco) liên tục bị thu hồi thuốc do sản xuất sản phẩm kém chất lượng. Cụ thể, ngày 9/8/2022 Cục Quản lý Dược ban hành Công văn số 7723/QLD-CL về việc thu hồi mẫu thuốc Rotundin không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Theo đó, Sở Y tế thông báo thu hồi thuốc viên nén Rotundin (Rotundin 30mg); SĐK: VĐ-30855-18; số lô: 02; ngày SX:02/03/2020; HD: 02/03/2023, do Công ty TNHH MTV 120 Armephaco (118 Vũ Xuân Thiều, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội) sản xuất.
Trước đó, vào ngày 30/7/2020, Cục Quản lý Dược ra công văn số 11924/QLD-CL thông báo thu hồi thuốc vi phạm mức độ 2 đối với lô thuốc Genpharmason do Công ty TNHH MTV 120 Armephaco sản xuất.
Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng như sau:
“1.Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;
b) Thông thầu;
c) Gian lận trong đấu thầu;
d) Cản trở hoạt động đấu thầu;
đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;
e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;
g) Chuyển nhượng thầu trái phép.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”