Với hình thức “viết giấy trao tay”, nhiều hộ dân đã tự biến diện tích đất nông nghiệp thành kho chứa hàng và xây nhà kiên cố hoặc chia lô cho thuê để thu tiền tỷ
Tình trạng san gạt trái phép đất nông nghiệp tại Yên Lạc diễn ra phổ biến
Theo phản ánh của người dân, nhiều diện tích đất nông nghiệp tại huyện Yên Lạc phần lớn các hộ mua lại (không theo quy định của pháp luật) đất lấn chiếm để làm bãi tập kết phế liệu, kho chứa hàng và xây nhà ở kiên cố, hoặc các hộ dân tự ý phân lô để cho thuê, chuyển nhượng theo hình thức “viết giấy trao tay” với mức giá từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.
Người dân địa phương biết: Nếu đất vẫn để là đất nông nghiệp thì giá cực bèo, kể cả là ở mặt đường. Nhưng khi người ta đã đổ đất và tạo được mặt bằng rồi thì mỗi sào không dưới 1 tỷ đồng.
Quả thật, hầu hết diện tích đất nông nghiệp của các xã như Đồng Văn, Trung Nguyên, Tề Lỗ nằm sát mặt đường đã và đang bị san gạt trái phép tràn lan để tạo ra khu “đất vàng” nhằm cho thuê hoặc xây dựng, làm nhà xưởng.
Đặc biệt, không chỉ có vậy, người dân bất chấp để chuyển nhượng, san gạt là do không biết có thông tin từ đâu đồn thổi rằng đất nông nghiệp ở đây sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng trong thời gian ngắn. Từ đây, việc ồ ạt chuyển nhượng đất nông nghiệp trái phép cứ thế diễn ra trong khi chính quyền địa phương vào cuộc khá “yếu ớt”.
Hơn nữa, hầu hết các vị lãnh đạo địa phương đều cho biết đã đề xuất lên cấp trên để có hướng chuyển thành đất thương mại, dịch vụ vì “khó xử lý” các trường hợp sai phạm.
Không những gây thiệt hại tiền của cho Nhà nước mà tình trạng này còn gây nhiều hệ lụy cho người nông dân
Rõ ràng, hoạt động kinh doanh đã mang lại những hiệu quả kinh tế khá lớn cho người dân các xã Đồng Văn, Tề Lỗ, Trung Nguyên, tạo việc làm cho lao động tại chỗ và các xã lân cận. Nhu cầu về mặt bằng tập kết máy móc, trang thiết bị là có thực.
Song, đó không thể là lý do để giải thích cho tình trạng vi phạm Luật Đất đai, tình trạng sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích trên địa bàn huyện Yên Lạc. Nguy hiểm hơn, tại nhiều bãi tập kết, hàng chục tấn nguyên liệu sắt thép được chất thành các đống lớn ngay phía dưới đường dây điện cao thế nên tiềm ẩnh những nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.
Không chỉ có vậy, sự “buông lỏng” quản lý đất đai tại các địa phương đã trở thành “miếng mồi ngon” cho những kẻ lợi dụng để bội thu tiền tỷ, gây thất thoát tiền của của Nhà nước.
Còn về phần người nông dân, những hộ không có diện tích đất nông nghiệp ở mặt đường vô tình bị làm khó, bởi số lượng sắt thép hoen gỉ chảy xuống ruộng gây năng suất thấp. Các hàng rào phế liệu xung quanh cản trở việc xuống đồng của bà con, cùng nhiều hệ lụy khác…