Đại hội đồng Liên hợp quốc hoan nghênh việc chính thức thông qua Hiệp định bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp định về biển cả), đánh dấu kết thúc quá trình đàm phán khó khăn, phức tạp kéo dài gần 20 năm qua.
Ngày 01/8, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Đại hội đồng LHQ đã họp phiên toàn thể thông qua Nghị quyết về Hiệp định bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia (còn gọi là Hiệp định BBNJ hoặc Hiệp định về biển cả) với sự ủng hộ của 150/193 quốc gia thành viên.
Đại hội đồng LHQ hoan nghênh việc chính thức thông qua Hiệp định BBNJ, đánh dấu kết thúc quá trình đàm phán khó khăn, phức tạp kéo dài gần 20 năm qua.
Theo đó, Đại hội đồng đã nhất trí các đề xuất về công tác tổ chức, ngân sách nhằm đảm bảo Hiệp định được triển khai hiệu quả và ấn định ngày mở ký Hiệp định vào 20/9/2023.
Đại hội đồng cũng kêu gọi các quốc gia, các tổ chức kinh tế khu vực xem xét sớm ký, phê chuẩn để Hiệp định nhanh chóng có hiệu lực; đồng thời quyết định bổ sung đề mục về Hiệp định BBNJ vào chương trình nghị sự hằng năm của Đại hội đồng.
Phát biểu tại phiên thông qua, các nước đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Nghị quyết và nhấn mạnh Hiệp định BBNJ là sự thắng lợi của nỗ lực ngoại giao và chủ nghĩa đa phương.
Nhiều nước nhắc lại cam kết và quyết tâm mạnh mẽ trong việc đảm bảo thực thi một văn kiện nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia, nhằm củng cố hơn nữa khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) - bản Hiến pháp của đại dương.
Hiệp định được mở ký trong vòng 2 năm tính từ ngày 20/9/2023 tại trụ sở LHQ và sẽ có hiệu lực 120 ngày sau khi có 60 nước gia nhập/phê chuẩn.
Hiệp định BBNJ đã được Hội nghị liên chính phủ của LHQ chính thức thông qua bằng đồng thuận vào ngày 19/6/2023, đánh dấu sự ra đời của văn kiện thứ 3 thực thi UNCLOS.
UNCLOS quy định quyền tự do hàng hải, tự do đánh cá trên biển cả ngoài vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời quy định khoáng sản trong vùng đáy biển nằm ngoài thềm lục địa của các nước là di sản chung của nhân loại; đã thành lập cơ chế cấp phép, phân bổ lợi ích từ khai mỏ dưới đáy biển khơi, song chưa có cơ chế tương tự đối với nguồn gen biển. Hiệp định BBNJ sẽ cụ thể hóa và phát triển UNCLOS trên khía cạnh này.
Hiệp định gồm 17 chương, 76 điều, 2 phụ lục với nội dung chính xoay quanh một số vấn đề gồm: Chia sẻ lợi ích nguồn gien biển; Thiết lập vùng bảo tồn biển; Đánh giá tác động môi trường; Xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ; và Vấn đề chung như cơ chế ra quyết định của Hội nghị các quốc gia thành viên, thành lập, vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính…