Công lý Media

Đã tìm ra giải pháp hiệu quả chặn BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo

Nhật Minh 06/07/2023 - 11:26

Để giải quyết hiệu quả vấn đề BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cần có sự phối hợp giữa nhà mạng và lực lượng Công an. Khi BTS giả hoạt động, nhà mạng phát hiện, khoanh vùng, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của Cục Tần số có thể định vị chính xác BTS giả hiện đang ở đâu, phối hợp cùng Công an chặn bắt ngay.

Tại họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) chiều 5/7, Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TTTT) cho biết, hiện nay các trạm BTS giả có thể nhắn với tần suất hàng nghìn tin nhắn/phút với các nội dung như đường link giả mạo, trang cờ bạc trực tuyến, website lừa đảo.

20230705-pg1-cts.jpg
Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện trả lời câu hỏi của phóng viên đại diện cho các cơ quan báo chí tại họp báo

Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện trả lời câu hỏi của phóng viên đại diện cho các cơ quan báo chí tại họp báo

Ông Tuấn lý giải nguyên nhân là do lỗ hổng bảo mật của mạng di động (GSM) 2G, chỉ yêu cầu mạng xác thực người dùng chứ không yêu cầu người dùng xác thực nhà mạng, vậy nên bị kẻ xấu lợi dụng để phát tán tin nhắn giả mạo. Đây là cũng là vấn đề của nhiều quốc gia đang dùng mạng 2G, và hiện chưa có giải pháp triệt để xử lý vấn đề này.

Một khó khăn khác nữa khi đối phó với vấn nạn này là thiết bị BTS nhập lậu theo đường tiểu ngạch, nhỏ gọn. Các đối tượng có thể đặt thiết bị BTS này trên các phương tiện cơ động như ô tô, xe máy, có khả năng di dời nhanh, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thanh tra, phát hiện.

Tuy nhiên, ông Trần Mạnh Tuấn chia sẻ, mới đây Bộ TTTT đã tìm được giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề này. Đó chính là sự phối hợp hiệu quả giữa nhà mạng và lực lượng Công an. Khi BTS giả hoạt động, nhà mạng phát hiện, khoanh vùng, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của Cục Tần số có thể định vị chính xác BTS giả hiện đang ở đâu, phối hợp cùng Công an chặn bắt ngay.

Kết quả là, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Tần số vô tuyến điện đã phối hợp với các doanh nghiệp di động, Bộ Công an phát hiện và xử lý 24 vụ BTS giả mạo phát tán tin nhắn rác và lừa đảo. Trong đó, năm 2022 có 9 vụ, Cục Tần số vô tuyến điện trực tiếp phát hiện 5 vụ, cơ quan công an mở rộng vụ án và phát hiện thêm 4 vụ. Trong năm 2023 đã phát hiện được 15 vụ, trong đó có 12 vụ do Cục Tần số vô tuyến điện trực tiếp thực hiện.

Liên quan đến tình trạng nhiều cửa cuốn, xe máy dùng chìa khóa thông minh (smart key) không mở được thông tin trên báo chí vừa qua, ông Trần Mạnh Tuấn cho biết, trong thời gian gần đây, Bộ TTTT đã ghi nhận phản ánh về hiện tượng nhiều hộ gia đình sử dụng các thiết bị điều khiển từ xa gây nhiễu trên băng tần miễn cấp phép cho thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến (433.05-434.79MHz), dẫn đến việc nhiều thiết bị (ví dụ như khóa thông minh- smartkey) bị ảnh hưởng do có cùng dải tần.

Khóa thông minh là thiết bị sử dụng tần số vô tuyến điện để liên lạc với phương tiện như ô tô, xe máy nhằm khóa và mở. Tình trạng smartkey không hoạt động tại một số địa điểm thời gian qua là do ở khu vực đó có thiết bị tần số vô tuyến điện hoạt động cùng tần số. Khi những thiết bị này bị lỗi hoặc không đảm bảo chất lượng, sẽ dẫn đến tình trạng chiếm kênh, phát sóng liên tục, do đó chìa khóa không thể kết nối với ổ khóa, khiến cho ô tô, xe máy, cửa cuốn không thể hoạt động.

Để tránh tình trạng này, Cục Tần số vô tuyến điện khuyến nghị tất cả các thiết bị tần số vô tuyến điện nói chung, trong đó có các thiết bị điều khiển gia đình sử dụng sóng kết nối vô tuyến điện phải thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy. Khi mua hàng, người dân cần kiểm tra trên bao bì sản phẩm hoặc trên thiết bị có gắn dấu hợp quy không. Ngoài ra, để tránh mua phải thiết bị vô tuyến kém chất lượng, người dân nên mua ở những cơ sở hoặc các nhà sản xuất có uy tín.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã tìm ra giải pháp hiệu quả chặn BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO